Tạo và duy trì động lực học cho học sinh ở lớp học online

Việc dạy tiếng Anh/IELTS hay bất kì môn học nào giờ đây không chỉ đơn thuần là việc truyền tải kiến thức đúng và đủ tới học sinh, mà làm sao để học sinh có mong muốn học, tự học và tự thực hành cũng là một trăn trở lớn đối với giáo viên trong mỗi khóa học. Đã bao giờ bạn gặp một lớp học mà có tỉ lệ học sinh đi học thấp, tỉ lệ drop cao, hoặc học sinh không làm bài tập về nhà? Là một giáo viên, chắc chắn việc này sẽ ảnh hưởng tới tinh thần dạy học của bạn, thậm chí gây sốc và chán nản. Bên cạnh đó, việc này cũng khiến tinh thần học của những học sinh còn lại bị kéo xuống theo. Đặc biệt là trong môi trường online, khi tương tác giữa học sinh và giáo viên là tối thiểu, tinh thần dạy và học sẽ càng khó để duy trì hơn nữa.

Vậy có cách nào để có thể tránh hiện tượng trên? Từ kinh nghiệm và quan sát của bản thân mình, việc tạo động lực và truyền cảm hứng tới học sinh chiếm tới 80% sự thành công của khóa học. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ tới các bạn cách tạo và duy trì động lực cho học sinh trong lớp học nói chung và lớp học online nói riêng.

1. Cảm hứng và động lực

Cảm hứngđộng lực là hai yếu tố có mối quan tương quan chặt chẽ để giúp cho quá trình học tập của học sinh hiệu quả và bền vững lâu dài hơn, trong đó:

  • Cảm hứng là sự thay đổi về tâm lý và cảm xúc bên trong tạo điều kiện cho sự sáng tạo và sự nhiệt huyết được thể hiện. 
  • Động lực là sự thôi thúc từ bên trong mỗi con người, thúc đẩy họ cố gắng nỗ lực để đạt được mục tiêu mà họ cho là giá trị và xứng đáng.
Image Source: Carey Elizabeth Smith

Cảm hứng sẽ khơi gợi và củng cố cho động lực, trong khi động lực sẽ duy trì và tiếp lửa cho cảm hứng. Đối với giáo viên, một trong những mục tiêu giảng dạy chính là truyền cảm hứng và duy trì động lực học tập của học sinh. Giáo viên cần biết cách tạo và duy trì tinh thần học tập xuyên suốt khóa học và quá trình giảng dạy. Một lớp học có được cả hai yếu tố trên sẽ đạt kết quả và giữ được tinh thần tốt trong thời gian dài.

2. Phân loại động lực học của học sinh

Theo quan niệm truyền thông, động lực học ngôn ngữ thứ 2 hay ngoại ngữ được chia thành 2 loại: động lực hội nhập (integrative) và động lực phương tiện (instrumental) (Gardner & Lambert, 1972); hoặc động lực nội sinh (intrinsic) và động lực ngoại sinh (extrinsic) (Deci, 1975). Tuy nhiên, trong những nghiên cứu về sau, các nhà nghiên cứu đã đưa các yếu tố ngoại cảnh vào những nhân tố có tác động tới quá trình học của học sinh.

2.1. Integrative vs instrumental motivation (động lực hội nhập vs động lực phương tiện)

  • Động lực hội nhập: Người học học ngoại ngữ với mục đích hòa nhập vào nền văn hóa của quốc gia đó. (VD: Học sinh học tiếng Anh vì yêu thích văn hóa phương Tây, hoặc muốn đi du học và hòa nhập vào cuộc sống của người bản xứ…)
  • Động lực phương tiện: Người học học ngoại ngữ với mục đích hỗ trợ cho nghề nghiệp hoặc một mục tiêu nào đó có ích cho họ. (VD: Học IELTS để xét tuyển Đại học, tốt nghiệp Đại học, xin việc,…)

2.2. Intrinsic vs extrinsic motivation (động lực nội sinh vs động lực ngoại sinh)

  • Động lực nội sinh: Người học học ngoại ngữ vì sở thích và niềm yêu thích của mình với ngoại ngữ đó. Các lí do xuất phát từ bên trong người học và không bị chi phối bởi người khác hoặc một kết quả nào đó.
  • Động lực ngoại sinh: Người học học ngoại ngữ vì một áp lực bên ngoài, ví dụ như cần phải đạt được chứng chỉ để tốt nghiệp hoặc cần phải học để nhận được thưởng, thăng tiến, v.v.

Có nhiều ý kiến cho rằng động lực nội sinh mới đem lại kết quả cao cho học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, động lực ngoại sinh cũng có thể đem lại kết quả tốt. Ví dụ, một học sinh học tiếng Anh do nhà trường hoặc bố mẹ yêu cầu (động lực ngoại sinh) có thể sẽ học rất chăm chỉ do sợ thất bại và bố mẹ mắng. Hoặc một học sinh khi nhận thấy việc học tiếng Anh sẽ giúp em có cơ hội đi du học hoặc vào trường đại học tốt (động lực ngoại sinh) cũng sẽ cố gắng học tập để đạt được mục đích cuối cùng của mình. Cả hai học sinh trên đều học dưới tác động của động lực ngoại sinh chứ không phải sự thích thú của bản thân nhưng vẫn duy trì việc học tập chăm chỉ cho mục đích của mình.

Bên cạnh đó, thực tế cũng chứng minh động lực nội sinh có thể được sinh ra sau động lực ngoại sinh, nghĩa là trong quá trình học tập, học sinh dần tiến bộ và nhận ra niềm yêu thích với môn học hoặc cảm giác thích thú khi có thể sử dụng ngoại ngữ với người khác. Vậy nên, trong quá trình học, tạo không gian cho học sinh được ứng dụng và thể hiện những kiến thức mình đang có cũng là một cách để tạo hứng khởi cho học sinh tiếp tục cố gắng.

3.  Tại sao giáo viên cần tạo và duy trì cảm hứng học cho học sinh

3.1. Động lực là kim chỉ nam cho việc học tập

Động lực ảnh hưởng tới khả năng một học sinh sẽ từ bỏ hay tiếp tục nỗ lực, cũng như niềm tin của học sinh đó vào việc bản thân có đạt được kết quả hay không. Nếu động cơ theo đuổi một mục đích càng giá trị và có ý nghĩa đối với học sinh, các em sẽ càng cố gắng và nỗ lực, không chấp nhận những câu trả lời “buông xuôi” đối với những vấn đề phức tạp.

Việc để học sinh tự nói ra và nắm rõ mục tiêu của mình rất quan trọng. Giáo viên có thể hỏi học sinh mục tiêu điểm từ buổi học đầu tiên, mục đích và kế hoạch mà các em đã đặt ra để thực hiện được mục tiêu này. Một cách khác để học sinh luôn nhớ mục tiêu của mình là để các em tự viết vào trang đầu tiên của vở của mình mục tiêu và thời gian thực hiện. Điều này sẽ như lời nhắc nhở với học sinh về mục tiêu và mục đích tại sao các em muốn học tiếng Anh. Trong những lớp mình đã dạy, những bạn có mục tiêu/ động lực càng rõ ràng và ý nghĩa thường có tỉ lệ đi học, làm bài tập, và sự tiến bộ tốt hơn so với những bạn không có mục tiêu rõ ràng.

3.2. Động lực thúc đẩy sự sáng tạo và tư duy phản biện

Đối với những học sinh có động lực nội lực, các em coi việc học tập như một thú vui và không cảm thấy nhàm chán khi học. Thông thường, các em sẽ dành nhiều thời gian suy nghĩ và sự chú ý hơn cho môn học. Việc dành nhiều thời gian hơn sẽ giúp các em có khả năng nhận ra những điểm nhìn mới, những phương pháp mới hỗ trợ cho việc học của bản thân. 

Có nhiều học sinh trong các khóa mình dạy có sự tiến bộ rõ rệt từ việc hay đưa ra những câu hỏi có chiều sâu và có phương pháp học của riêng mình. Có những bạn học từ bằng việc đặt câu và chép lại từ, cũng có bạn luôn xem trước và làm thêm bài tập luyện tập. Bên cạnh đó, các em cũng đặt nhiều câu hỏi ý nghĩa trên lớp. Điều này thể hiện các em đã suy nghĩ và tìm hiểu kĩ về kiến thức bài học và sẵn sàng chủ động tiếp nhận kiến thức. Việc này sẽ kích thích sự sáng tạo và tư duy phản biện của các em trong việc đối phó với những vấn đề khó trong quá trình học tập không chỉ tiếng Anh, mà cả những vấn đề khác trong tương lai. Vậy nên việc hỗ trợ và khuyến khích các em đặt câu hỏi trong lớp học, có những cách học của riêng mình rất quan trọng đối với giảng viên trong việc tạo động lực và phát triển tư duy của học sinh.

3.3. Động lực nuôi dưỡng sự kiên định và nỗ lực

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, học sinh có động lực và đam mê với môn học thường sẽ có phản ứng mạnh hơn với những “thất bại” trong quá trình học như bị điểm kém hoặc bị giáo viên nhắc nhở. Dù nặng hay nhẹ, những phản hồi tiêu cực các em nhận lại là động lực để các em tiếp tục cố gắng và nỗ lực. Tuy nhiên, việc nhận được quá nhiều phản hồi tiêu cực cũng có thể gây tác dụng ngược, khiến các em sợ hãi và nản lòng.

Việc cân bằng giữa khen-chê học sinh trong lớp lúc này rất cần thiết. Mỗi khi nhận xét cho học viên, mình luôn nêu cả mặt mạnh và mặt yếu của các em. Đối với mặt mạnh, mình chỉ cho các em những điểm nào đã tốt rồi, khuyến khích các em tiếp tục phát huy. Đối với mặt yếu, mình sẽ nhắc nhở nhẹ nhàng và gợi ý những cách khắc phục cho các em. Phụ thuộc vào phong cách giảng dạy mà mỗi giảng viên sẽ có cách khác nhau để nhắc nhở học sinh. Tuy nhiên, việc cân bằng giữa khen-chê luôn là điều cần thiết để giúp các em kiên định và nỗ lực hơn nữa.

4. Lý do học sinh thiếu hoặc mất động lực

Có rất nhiều lí do có thể dẫn tới việc học sinh thiếu hoặc mất động lực học tập. Dưới đây là 4 lí do phổ biến được mình tham khảo từ cuốn “Remembering For Good” của Cath Duncan và kinh nghiệm bản thân để giải thích cho việc học sinh mất động lực học tập.

  • Mất động lực do sợ hãi: Cảm giác không chắc chắn do đã từng thất bại hoặc việc nghi ngờ khả năng của bản thân là một trong những lí do chính khiến học sinh dễ nản chí khi đến lớp học, đặc biệt đối với những học sinh yếu hoặc mới bắt đầu học tiếng Anh. Các em có xu hướng nhạy cảm với các lỗi sai, và luôn lo lắng khi mắc lỗi sai hay phát biểu trước lớp. Cá nhân mình luôn cố gắng tạo không khí thoải mái, vui vẻ trong lớp và để tất cả học sinh có quyền phát biểu, kể cả đúng hay sai. Khi việc này đã thành thói quen thì tâm lí “sợ sai” của các em cũng sẽ dần biến mất.

 

  • Mất động lực do đặt mục tiêu sai: Đặt mục tiêu thực tế, có thể thực hiện được với năng lực của học sinh rất quan trọng. Nếu mục tiêu quá cao so với khả năng hoặc thời gian cho phép, khi bị thất bại, các em thường mất động lực và chán nản với việc học. Khi hỏi học sinh về mục tiêu, mình luôn hỏi về kế hoạch hành động của các em và giúp các em đặt ra những mục tiêu nhỏ trong thời gian ngắn để hỗ trợ các em trong quá trình thực hiện mục tiêu lớn của mình.

 

  • Mất động lực do xung đột các giá trị: Nếu học sinh bị phân tâm bởi nhiều việc khác nhau, sự tập trung cho việc học tiếng Anh chắc chắn sẽ giảm xuống và hiệu quả học thấp. Các em thường sẽ nghỉ học vì bận việc cá nhân, và sau khi bỏ bẵng việc đi học một thời gian, các em thường sẽ gặp hai khó khăn khi đi học lại: khó khăn trong việc bắt kịp các bạn khác và khó khăn trong việc hoàn thiện bài tập đã bỏ lỡ. Bài tập ùn ứ và việc không theo được kiến thức trên lớp khiến các em chán nản. Trên thực tế, mình đã gặp nhiều học sinh xin nghỉ học vì lí do này. Mình luôn khuyên các em phải đặt ra thứ tự ưu tiên cho các công việc của mình để các em không mất thời gian, công sức lãng phí cho những hoạt động không cần thiết.

 

  • Mất động lực do thiếu thách thức: Thách thức vừa phải sẽ là động lực tuyệt vời cho học sinh tiến lên và phát triển. Tuy nhiên, thách thức quá lớn lại có thể làm lung lay động lực của học sinh. Nếu ngày nào học sinh cũng học lại những phần kiến thức các em đã biết hoặc hiểu tới 90% thì các em dần sẽ mất hứng thú trong lớp học. Ngược lại, nếu các em luôn gặp phải những phần kiến thức mình không hiểu hoặc quá khó, lâu dài các em cũng sẽ nản chí vì hoảng. Mỗi khi dạy học, đối với những phần kiến thức đơn giản, mình sẽ đố các em những câu cần suy nghĩ, hoặc mở rộng thêm về vốn từ và cấu trúc ngữ pháp để những bạn học yếu vẫn theo được bài giảng, còn những bạn học tốt hơn vẫn cảm thấy hứng thú với buổi học. Việc đặt ra thách thức vừa sức với học sinh sẽ tạo điều kiện cho học sinh phát triển và duy trì trí tò mò của các em trong học tập.

5. Các học thuyết liên quan tạo động lực cho học sinh

Mặc dù có rất nhiều học thuyết/ lý thuyết được đưa ra để tạo và duy trì động lực cho học sinh, cá nhân mình đánh giá Tháp nhu cầu của Maslow là một mô hình đơn giản mà đem lại hiệu quả cao trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh trong lớp học.

Image Source: Nik Peachy

Tầng

Ứng dụng trong giáo dục

Hoạt động gợi ý cho giáo viên

1 – Nhu cầu cơ bản (Physiological)

Đây là những nhu cầu căn bản nhất của học sinh khi tham dự khóa học, như sự đảm bảo về kiến thức của giảng viên, giá trị mà giảng viên đem lại cho học sinh, hay những điều các em có thể nhận được thêm từ khóa học.

Đây là giai đoạn xây dựng niềm tin với học viên qua những bài giảng đầu tiên và cách giao tiếp với học sinh. Thể hiện sự chắc chắn về kiến thức, bài giảng chỉn chu và phong thái tự tin trong giảng dạy sẽ giúp giáo viên “ăn điểm” với học sinh, khiến các em tin tưởng và mong muốn đi học nhiều hơn.

2 – Nhu cầu an toàn (Safety)

3 – Nhu cầu xã hội (Social)

Đây là nhu cầu được ở trong một tập thể, được kết nối, gắn bó và nhận được sự quan tâm của mọi người.

Bên cạnh những hoạt động bonding, liên hoan, việc cho học sinh làm teamwork cùng nhau hoặc tạo không khí cho học sinh cởi mở nói chuyện cũng sẽ giúp cho lớp thêm gắn bó.

4 – Nhu cầu được tôn trọng (Ego)

Đây là nhu cầu được tôn trọng ý kiến, màu sắc cá nhân trong lớp học.

Việc tôn trọng ý kiến của học sinh, bất kể đúng hay sai, lớn hay nhỏ đều sẽ khiến học sinh cảm thấy được tôn trọng. Đối với mỗi câu trả lời của học viên, mình luôn tiếp nhận một cách tích cực, giúp các em thêm tự tin và cảm thấy được tôn trọng trong lớp.

5 – Nhu cầu thể hiện mình (Self-actualization)

Đây là nhu cầu được thể hiện bản thân và tỏa sáng trong lớp học.

Cho học sinh cơ hội được tỏa sáng, được thể hiện những phần kiến thức mình biết và nhận lời khen, sự công nhận của những người xung quanh sẽ giúp các em muốn cố gắng hơn nữa. Với phần mở rộng, mình luôn hỏi các học sinh trong lớp xem có ai muốn giơ tay không, hoặc tuyên dương những bạn có thành tích tốt hoặc sự tiến bộ tốt trong lớp.

5.1. Achievement Goal Theory

Học thuyết này cho rằng tất cả các động lực đều có thể liên kết tới định hướng của một người với một mục tiêu. Có 2 dạng mục tiêu được đưa ra: performance goal (mục tiêu hiệu suất)mastery goal (mục tiêu làm chủ), cụ thể:

  • Mục tiêu hiệu suất: Là những mục tiêu nhằm thỏa mãn cái tôi của một người bằng cách tỏ ra mình thông minh và vượt trội hơn những người đồng trang lứa. 
  • Mục tiêu làm chủ: Là những mục tiêu được thúc đẩy bằng mong muốn làm chủ một kiến thức hoặc kĩ năng. Mục tiêu làm chủ có điểm giống với động lực nội tại được thảo luận ở phía trên.

Học sinh đặt việc học ngoại ngữ là mục tiêu làm chủ thường sẽ đạt được kết quả tốt và lâu dài hơn bởi sự nhiệt huyết và tinh thần cầu tiến của các em thường lớn hơn. Đối với mục tiêu hiệu suất, một khi đã đạt được mục tiêu mình mong muốn, học sinh thường sẽ dừng lại, trong khi học sinh với mục tiêu làm chủ sẽ tiếp tục tìm tòi và nâng cao kĩ năng của mình.

5.2. Expectancy Value Theory (Thuyết Kì vọng giá trị)

Mô hình này xuất phát từ ngành Kinh tế tài chính nhưng đã được ứng dụng trong việc dạy học để duy trì động lực của học sinh. Học thuyết cho rằng hành vi và động lực học tập của học sinh được quyết định bởi nhận thức của học sinh về những kì vọng trong tương lai. Học sinh sẽ nỗ lực nếu biết rằng việc đó sẽ dẫn tới kết quả tốt hoặc những phần thưởng có giá trị cao với bản thân mình. Chẳng hạn, học sinh muốn đỗ vào trường đại học top và được cho biết rằng nếu chăm chỉ học IELTS có thể đạt điểm tốt và thành tích đó sẽ dẫn tới việc đỗ, thì nhận thức đó sẽ thúc đẩy học sinh chăm chỉ học để đạt được ước vọng của bản thân. 

Học sinh sẽ tự quyết định chọn cho mình một mức nỗ lực để đạt mục tiêu tùy thuộc vào mức độ kì vọng và kết quả, phần thưởng học sinh nghĩ sẽ nhận được và mức độ quan trọng của phần thưởng với bản thân. 

Mô hình được đưa ra như sau:

M = E x I x V

  • M (Motivation): Động lực học tập
  • E (Expectancy): Kì vọng. Đây là niềm tin của học sinh rằng nỗ lực của các em sẽ dẫn tới kết quả tốt. Khái niệm này thể hiện mối quan hệ giữa nỗ lực (effort) và kết quả (performance). E càng thấp chứng tỏ học sinh không có niềm tin mình sẽ thực hiện được mục tiêu
  • I (Instrumentality): Công cụ. Học sinh có niềm tin rằng kết quả tốt sẽ dẫn tới phần thưởng xứng đáng. Khái niệm này thể hiện mối quan hệ giữa kết quả (performance) và phần thưởng (outcome/rewards).
  • V (Valence): Giá trị. Giá trị thể hiện mức độ quan trọng của phần thưởng đối với học sinh, là giá trị cá nhân gán cho phần thưởng được nhận. Khái niệm này được thể hiện thông qua mối quan hệ giữa phần thưởng (rewards) và mục tiêu cá nhân (personal goals).

Các kì vọng và giá trị trong học thuyết này bị ảnh hưởng bởi niềm tin về năng lực của bản thân và niềm tin về độ khó của mục tiêu. Nếu học sinh đã từng hoàn thành tốt một công việc có độ khó tương tự trong quá khứ, học sinh sẽ có nhiều niềm tin và động lực để thúc đẩy bản thân chăm chỉ thực hiện mục tiêu hiện tại. Nếu học sinh cho rằng mục tiêu này quá khó để thực hiện, các em sẽ dễ trở nên nản chí và không có động lực thực hiện. Ngược lại, nếu mục tiêu không đủ khó, các em sẽ cảm thấy chán và mất động lực học tập. Vậy nên việc xác định mục tiêu cũng rất quan trọng.

5.3. Maslow’s hierarchy of needs (Tháp nhu cầu của Maslow)

Tháp nhu cầu Maslow là mô hình nổi tiếng về tâm lý và động cơ của con người, được đặt theo tên nhà tâm lý học Abraham Maslow. Tháp gồm 5 tầng tương ứng với 5 cấp độ nhu cầu của con người. Mỗi một tầng của kim tự tháp lại phản ánh theo mức độ phức tạp khác nhau, càng lên cao nhu cầu của con người lại càng cao hơn. Đứng từ góc độ giáo viên, tháp có thể được áp dụng để hiểu về tâm lí học sinh như sau:

Tầng 1 + Tầng 2: Nhu cầu cơ bản (basic needs) + Nhu cầu về an toàn – được bảo vệ (safety needs)

Đối với 2 tầng này, học sinh sẽ kì vọng được giáo viên đảm bảo về khóa học của mình sẽ đem lại giá trị. Đây là giai đoạn giáo viên xây dựng niềm tin với học sinh qua những bài giảng đầu tiên, qua cách giáo viên giao tiếp với học sinh. Giáo viên có thể thưởng cho học sinh khi học sinh đạt thành tích tốt. Đó có thể chỉ là cái bánh hay kẹo, nhưng sẽ khiến giáo viên gần học sinh và tạo ra tinh thần học trong lớp hơn.

Tầng 3: Nhu cầu về xã hội – kết nối (social needs)

Ở cấp độ cao hơn, học sinh mong muốn được gắn bó với tập thể và nhận được sự yêu thương của mọi người. Giáo viên có thể tổ chức các hoạt động bonding trong giờ học hoặc liên hoan nhỏ trong lớp để tạo không khí ấm áp, kéo gần học sinh với học sinh cũng như học sinh với giáo viên. Học sinh sẽ cảm giác bản thân trong một tập thể, chứ không phải một nhóm cá thể tách biệt.

Tầng 4: Nhu cầu được tôn trọng (esteem needs)

Trong tầng thứ 4 có 2 loại nhu cầu là nhu cầu được tôn trọng và công nhận bản thân. Đây là động lực để học sinh cố gắng khẳng định mình trong lớp học hơn. Giáo viên đưa ra những nhận xét mang tính đóng góp cho học viên chứ không chỉ trích các lỗi của học sinh. Việc được tôn trọng không chỉ quan trọng giữa học sinh với giảng viên mà cả giữa học sinh với học sinh.

Tầng 5: Nhu cầu thể hiện mình (self-actualizing needs)

Cấp độ 5 là tầng nhu cầu cao nhất trong tháp nhu cầu Maslow. Học sinh luôn muốn khẳng định bản thân mình trong lớp học. Các học sinh luôn khao khát được cống hiến, được nỗ lực để trở thành những người giỏi nhất và mong muốn là người giỏi nhất. Hãy cho học sinh cơ hội để tỏa sáng, để thể hiện bản thân trong lớp. Mỗi khi có được một câu trả lời đúng, điều đó đã giúp học sinh có thêm niềm vui và động lực để tiếp tục. Trong khi đó, bất kì sự đóng góp nào từ phía học viên đều sẽ giúp tiết học trở nên đa chiều và thú vị hơn.

6. Các ứng dụng thực tế tạo và duy trì động lực cho học sinh học online

Nếu ở phần 5, mình đã đưa ra một lý thuyết chung và ứng dụng của chúng trong giảng dạy trên lớp nhằm giải quyết các lí do khiến học sinh nản chí, thì ở phần này, mình sẽ chia sẻ sâu hơn về việc duy trì động lực cho học sinh tại lớp online, nơi tương tác giữa giáo viên và học sinh bị hạn chế hơn rất nhiều.

  • Xác định mục tiêu từ đầu: Trên lớp online hay offline, mình đều hỏi học sinh về mục tiêu, mục đích, và kế hoạch thực hiện của các em trước tiên. Từ đó, mình sẽ giúp các em có định hướng và kế hoạch rõ ràng hơn trong khóa học. Mình luôn chuẩn bị tinh thần trước cho các em về khóa học trong buổi đầu tiên, đặc biệt trong môi trường online, khi các em khó cảm nhận được sự nhiệt tình của giảng viên, việc làm rõ mọi hoạt động trong lớp là điều rất quan trọng để các em có thể an tâm học tập.

 

  • Xây dựng niềm tin với học viên: Niềm tin phải được xây dựng hai chiều, tức là giáo viên tin tưởng học sinh sẽ thành công và học sinh tin tưởng giáo viên sẽ giúp mình đạt được mục tiêu. Một bài giảng chỉn chu, bắt mắt và thông tin cụ thể về giảng viên sẽ giúp học sinh tin tưởng hơn về giảng viên. Ngược lại, giáo viên luôn thể hiện niềm tin vào việc học sinh sẽ tiến bộ. Đây cũng sẽ là một động lực giúp xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn giữa học sinh và giảng viên.

 

  • Thể hiện sự quan tâm với học viên: Trong môi trường online, việc quan tâm học sinh còn quan trọng hơn rất nhiều. Khiến từng học viên cảm giác được quan tâm bằng cách chữa bài tập cá nhân, ghi nhớ những thông tin cơ bản hay một vài sở thích của các em sẽ giúp cho mối quan hệ cô/thầy-trò thêm gắn bó. Mình thường sẽ nhớ một vài nghệ sĩ học sinh thích, đến giờ nghỉ mình sẽ bật nhạc của những nghệ sĩ đó cho các em, hoặc đưa vào làm ví dụ giúp giờ học thêm thú vị.

 

  • Tạo cơ hội cho học sinh phát biểu: Việc gọi phát biểu trong lớp học đối với tất cả các học sinh trong lớp học. Việc này vừa duy trì sự tập trung, vừa tạo điều kiện cho các em thể hiện bản thân mình, những kiến thức mình đang có hoặc chỉ đơn giản là sự chăm chỉ của các em. Đối với học sinh yếu, chúng ta có thể hỏi những câu ôn tập kiến thức, còn với các bạn tốt hơn mình sẽ hỏi những câu mở rộng, nâng cao hơn.

 

  • Đa dạng phong cách giảng dạy: Một trong những gợi ý của mình là “thêm gia vị” cho các bài giảng của mình xuyên suốt khóa học. Từ những việc đơn giản như đổi vị trí các phần trong bài giảng, thêm các hoạt động như chơi game trên các nền tảng online, làm presentation đều sẽ khiến bài giảng thêm thú vị. Điều này sẽ giúp học viên không cảm thấy nhàm chán và có động lực lên lớp.