Tổ chức hoạt động học tập trên lớp hiệu quả

rong bài viết lần này, Giảng Viên Vũ Thảo Phương – Giảng Viên IELTS của trung tâm IZONE sẽ chia sẻ cách tổ chức hoạt động lớp học hiệu quả

I. Hoạt động trong lớp học là gì

Benjamin Franklin, một trong số những thành viên chủ chốt của Nhóm lập quốc Hoa Kỳ, đã từng có một câu trích dẫn kinh điển về việc dạy học “Tell me and I forget, teach me and I remember, involve me and I learn” (Tạm dịch: nói với tôi và tôi quên, dạy tôi và tôi nhớ, để tôi tham gia và tôi sẽ học). Đây là một triết lý về việc sử dụng linh hoạt những hoạt động giúp học viên học tập một cách chủ động, không chỉ nhớ lý thuyết suông hay thụ động ngồi nghe giảng viên nói, mà thật sự tham gia vào việc học trên lớp, tự tìm ra câu trả lời và từ đó học tập tốt hơn. Khả năng lưu trữ thông tin, kiến thức của học viên sẽ cao hơn khi học viên đó trải qua quá trình tự mình tìm ra đáp án, tự giải quyết các vấn đề hóc búa và phân tích lượng kiến thức mình vừa được cung cấp. Vì vậy, việc lớp học có kết hợp sử dụng các hoạt động học tập song song với việc giảng viên truyền đạt kiến thức sẽ cung cấp cho học viên cơ hội để hiểu sâu hơn, áp dụng những lý thuyết vừa học, ngoài ra trong một số hoạt động học viên còn có cơ hội nhận được feedback của giảng viên, giúp nhận biết được điểm mạnh điểm yếu của bản thân hay những sai sót còn mắc phải, từ đó cải thiện tốt hơn. 

Hoạt động trên lớp học có thể hiểu đơn giản, bao gồm những hoạt động học viên làm trong quá trình buổi học diễn ra, có thể là trước hoặc sau khi được giảng lý thuyết. Trước khi học, giảng viên có thể đưa ra những câu hỏi liên quan đến kiến thức buổi học, để học viên tự do khám phá, tìm ra đáp án cho riêng mình, rồi giảng viên chữa lại, nhấn mạnh những lỗi sai phổ biến và nguyên nhân, từ đó giúp học viên tránh mắc phải những sai lầm trên. Với hoạt động sau khi học, thường là là phần áp dụng lý thuyết, thực hành những gì đã học sau khi đã được nghe giảng viên hướng dẫn, giảng giải kiến thức, hoạt động này thiên về mục đích luyện tập hơn. Định nghĩa ‘hoạt động học tập trên lớp’ không chỉ bao gồm các trò chơi phát triển kĩ năng mà còn cả các hoạt động tương tác và kích thích suy nghĩ, tất cả đều hướng đến mục đích chung là khiến học viên hiểu sâu hơn về bài học, cải thiện được cả kiến thức lẫn kỹ năng, nâng cao hiệu quả của buổi học, của từng phần kiến thức nhỏ nói riêng, cũng như của cả khoá học và trình độ của học viên nói chung.

II. Các bước tổ chức hoạt động trong lớp 

Để đảm bảo các hoạt động trên lớp diễn ra một cách hiệu quả nhất đòi hỏi giảng viên phải chuẩn bị kỹ các học liệu liên quan cũng như lên kế hoạch tỉ mỉ và chi tiết cho việc tổ chức hoạt động. Dưới đây là bảng hướng dẫn tổ chức một hoạt động, giảng viên có thể tham khảo và áp dụng một cách linh hoạt cho lớp học của mình tuỳ theo trình độ học viên, nội dung hoạt động cũng như khung thời gian cho phép.

BướcNội dung & Mục đích
1Trước giờ lên lớp, giảng viên sẽ lên kế hoạch trước về hoạt động của mình. Nội dung, mục đích của hoạt động là gì. Sau khi tham gia hoạt động, học viên sẽ thu lại được gì. Giảng viên có thể tự mình làm thử những hoạt động đó để tìm hiểu xem với học viên, điều gì sẽ là cần thiết. Điều này giúp giảng viên chuẩn bị tốt cho hoạt động, văn bản, học liệu, tranh ảnh, công cụ học tập; tất cả đều cần có sẵn trước giờ lên lớp.
Giảng viên cũng cần tính đến những vấn đề có thể xảy ra trong quá trình hoạt động diễn ra, chẳng hạn như học viên làm sai hoạt động dẫn đến không hiệu quả hay học viên không hiểu mục đích của hoạt động này, để từ đó có các kế hoạch dự phòng. Điều này giúp đảm bảo không ảnh hưởng đến quá trình học tập của học viên, hoạt động xảy ra trơn tru, không bị ngắt quãng. Chẳng hạn như nếu có một vài học viên chậm hơn không hiểu hoặc hiểu sai hoạt động thì sao, làm sao để hướng dẫn cho các bạn đó mà không ảnh hưởng đến việc những học viên khác thực hiện hoạt động? Nếu đây là hoạt động ghép cặp mà sĩ số học viên lẻ thì sao? Nếu là hoạt động cần máy chiếu nhưng xảy ra sự cố thì sẽ khắc phục thế nào? Cụ thể hơn, với một lớp học ngôn ngữ, những vấn đề có thể xảy ra bao gồm việc học viên không có đủ vốn từ vựng, cấu trúc ngữ pháp để thực hiện hoạt động. Giảng viên cần hiểu rõ trình độ học viên của mình để có thể lường trước được những tình huống như vậy.
2Khi hoạt động diễn ra, giảng viên cũng nên đảm bảo tuân thủ quy trình căn bản sau để học viên có thể tham gia vào hoạt động một cách tốt nhất
Đầu tiên, cần đưa ra chỉ dẫn rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu. Nên nhấn mạnh mục đích của hoạt động để học viên hiểu lý do mình sao mình cần tham gia hoạt động đó, từ đó chủ động và tích cực hơn. Nếu có handout thì nên đưa ra chỉ dẫn chung trước, rồi phát handout và hướng dẫn chi tiết thêm.  Đối với các lớp học trình độ thấp, nên tránh việc đưa handout đầu tiên, học viên mải tập trung vào handout mà không nghe hướng dẫn ban đầu, dẫn đến thực hiện sai hoạt động, hoặc không hiểu và giảng viên phải nhắc lại nhiều lần với nhiều học viên. Đối với các lớp trình độ cao hơn, có thể thử đưa handout trước và để học viên đoán xem yêu cầu sẽ là gì, mình cần làm gì, để học viên hỏi giảng viên những câu hỏi “Mình sẽ làm cái A cái B phải không cô?”, giảng viên có thể xác nhận hoặc loại bỏ, điều này góp phần giúp hoạt động trở nên thú vị hơn. Tuy nhiên, vẫn cần nói ngắn gọn lại một lần nữa toàn bộ yêu cầu, nhiệm vụ để đảm bảo tất cả học viên đều hiểu rõ mình cần làm gì. Nếu là hoạt động chia nhóm, ghép cặp thì tuỳ vào từng hoạt động, có thể phân chia dựa theo trình độ học viên hoặc để học viên tự chọn.
Tiếp đó, khi học viên tiến hành hoạt động, giảng viên quản lý hoạt động, đảm bảo mọi thứ diễn ra trơn tru, và cung cấp hỗ trợ khi cần.
Sau khi hoạt động kết thúc, giảng viên đánh giá lại kết quả của học viên, đưa ra nhận xét, giúp học viên nhìn nhận lỗi sai của mình và từ đó cải thiện được chúng. Nếu là hoạt động khởi động đầu giờ, có thể kết nối, dẫn vào bài học chính. Dù bất kì hoạt động nào, giảng viên cũng nên dành chút thời gian để wrap up, hoàn thành hoàn động đó. Vì nếu chỉ đơn giản là dừng hoạt động lại mà không có phần tiếp nối, follow up của giảng viên, học viên có thể cảm thấy khá hụt hẫng, chưa thoả mãn với công sức mình bỏ ra. Chẳng hạn như giảng viên yêu cầu học viên cùng thảo luận, tìm ra đáp án cho một câu hỏi, hết thời gian thảo luận giảng viên lại đưa ra câu trả lời luôn, mà học viên không có cơ hội nói lên suy nghĩ của mình, những gì mình mất công chuẩn bị, không có cơ hội bảo vệ quan điểm của mình, thì hoạt động thảo luận đó chưa chắc đã đem lại hiệu quả tốt nhất.
3Sau buổi học, giảng viên có thể đánh giá lại mức độ hiệu quả của hoạt động và đưa ra những sửa đổi cần thiết để đảm bảo những hoạt động/những lần thực hiện tiếp theo đem lại kết quả khả quan hơn. Chẳng hạn như buổi học đó có tình huống phát sinh nào mà giảng viên chưa lường trước được không, học viên có tham gia chủ động và tích cực như giảng viên mong muốn không, sau khi tham gia đã thu lại được kết quả như mong đợi chưa,…

III. Hướng dẫn học sinh tham gia hoạt động hiệu quả 

1. Khơi gợi sự chú ý của học viên

Đầu tiên, giảng viên cần khiến cho học viên chú ý tới hoạt động này, đảm bảo học viên đang tập trung vào những gì mình nói. Để học viên có thể hứng thú và thật sự muốn tham gia vào hoạt động, bản thân giảng viên phải là người trước hết cảm thấy rằng hoạt động này thú vị, đem lại hiệu quả cao. Giảng viên nên thể hiện được sự thích thú của mình, năng lượng của mình đối với hoạt động, và cố gắng ‘chào hàng’ hoạt động này để học viên có thể cảm thấy tương tự. Không chỉ bằng lời nói, ngôn từ, giảng viên có thể kết hợp thêm các công cụ hình ảnh để khiến cho hoạt động trở nên sinh động hơn. 

Chẳng hạn như trong một tiết học Speaking, trước khi phân nhóm/cặp để học viên thảo luận về các câu hỏi trong chủ đề, giảng viên có thể bắt đầu với một hình ảnh một siêu sao nổi tiếng, một nghệ sĩ hoặc một ‘meme’ về chủ đề và để học viên đoán topic của buổi học sẽ là gì; rồi sau đó mới đưa ra các câu hỏi thảo luận. Điều quan trọng vẫn là đảm bảo mình có được 100% sự chú ý của học viên, tránh mất thời gian giải thích lại cho các bạn mất tập trung.

Minh hoạ sử dụng hình ảnh cho chủ đề “Fame”

2. Đưa ra chỉ dẫn

Tiếp đó, giảng viên sẽ đưa ra chỉ dẫn. Như đã trình bày, hướng dẫn của giảng viên cần ngắn gọn và dễ hiểu. Nên kiên nhẫn, đặc biệt với các lớp học trình độ thấp, đảm bảo chia hướng dẫn ra thành các bước nhỏ, dễ thực hiện. Giảng viên có thể làm mẫu trước, sau đó cùng cả lớp luyện tập nhanh, rồi để học viên tự luyện tập với nhau. 

Ví dụ:

Trọng tâm của bài – Sử dụng Quá khứ đơn

Yêu cầu đề bài – Kể một câu chuyện sử dụng cấu trúc ngữ pháp này. 

Hình thức: mỗi người nói 1 câu để hình thành câu chuyện Giảng viên có thể bắt đầu trước. E.g. Yesterday, I woke up really early. Học viên tiếp theo sẽ nói“Then I went back to sleep….” và lớp tiếp tục sao cho mỗi học viên đều có cơ hội áp dụng được cấu trúc vừa học một cách sáng tạo.

Can thiệp: Mỗi khi có học viên trả lời sai trọng tâm câu hỏi VD “and I will make of habit of getting up early in the morning” (Thì tương lai)” thì Giảng viên có thể yêu cầu học viên đó nói lại yêu cầu đề bài.

Để chắc chắn học viên hiểu được hướng dẫn, giảng viên có thể kiểm tra nhanh bằng cách yêu cầu một học viên khác trình bày lại xem mình cần làm gì tiếp theo trong hoạt động này. Giảng viên có thể viết hoặc trình chiếu chỉ dẫn, các bước thực hiện hoạt động lên bảng để học viên luôn biết được mình đang ở giai đoạn nào và bước tiếp theo cần làm là gì. Với các hoạt động ghép cặp, giảng viên có thể cân nhắc sử dụng một học viên giỏi, tự tin để làm mẫu minh hoạ cho hoạt động này. Khi đưa ra hướng dẫn, giảng viên cũng nên nói rõ về thời gian của hoạt động, tránh việc giảng viên thông báo “Hết giờ” mà học viên còn chưa làm được một nửa.

3. Giám sát hoạt động

Kế đến, giảng viên cần đảm bảo giám sát quá trình hoạt động diễn ra. Cần cân nhắc xem liệu giảng viên có nên là một phần của hoạt động này không, từ đó giám sát một cách hiệu quả. Nếu đây là một hoạt động cần tương tác giữa nhóm/cặp với giảng viên, khi trao đổi với học viên, giảng viên nên cân nhắc giữ vị trí cân bằng, ngang hàng với học viên. Bởi vì nếu giảng viên đứng, học viên ngồi, học viên có thể cảm thấy khá là bị ‘lép vế’, khó có thể trao đổi tự do, thoải mái. Giảng viên cũng nên kết hợp trao đổi bằng mắt, quan sát các thành viên trong nhóm hoặc chỉ riêng bạn đang phát biểu. Nếu đây chỉ đơn thuần là hoạt động cần học viên trao đổi với nhau và giảng viên sẽ chỉ đóng vai trò lắng nghe, có thể tránh giao tiếp bằng mắt với học viên, và không nán lại một nhóm quá lâu, để đảm bảo học viên có đủ không gian thoải mái trao đổi, cũng như đảm bảo các nhóm khác cũng được giám sát đủ. Nếu thời gian hoạt động quá ngắn, không đủ để giảng viên quan tâm đến tất cả các nhóm/cặp, có thể thay phiên giữa các hoạt động, chẳng hạn như hoạt động đầu tiên giảng viên sẽ tập trung vào nhóm A, sang hoạt động tiếp theo sẽ tập trung vào nhóm B, như vậy sẽ đảm bảo mỗi một nhóm đều được giảng viên quan tâm đầy đủ. Hoặc nếu đây là một hoạt động viết, giảng viên có thể quan sát từ phía sau, không gây xao nhãng cho học viên, mà giảng viên cũng dễ dàng theo dõi được tiến trình của hoạt động, không gặp khó khăn như việc quan sát từ phía trước học viên (phải nhìn ngược chữ). Nên hạn chế làm gián đoạn, xen ngang hoạt động của học viên trừ khi nhóm đó hiểu sai nhiệm vụ hay quá chậm so với lớp (cần được hỗ trợ thêm); hoặc học viên chủ động nhờ giảng viên giúp đỡ. Hoặc đơn giản hơn, giảng viên có thể không cần đi lại trong lớp mà ngồi ở vị trí trung tâm, lắng nghe trao đổi của học viên và ghi chú lại những gì học viên nói, xem sau đó có cần sửa lại phần nào không, hay phần nào học viên nắm chắc rồi có thể nhờ học viên trình bày lại.

IV. Gợi ý các loại hoạt động trong lớp 

Có rất nhiều các hoạt động mà giảng viên có thể áp dụng linh hoạt vào buổi học để đem lại hiệu quả tốt nhất. Các hoạt động này có thể được chia ra làm 3 loại chính: (i) Bám sát chỉ dẫn, (ii) Dựa trên chỉ dẫn; hoặc (iii) Tự do sáng tạo. 

1. Bám sát chỉ dẫn

Các hoạt động thuộc nhóm này sẽ bao gồm việc giảng viên quyết định cấu trúc, ngôn ngữ được sử dụng và kiểm soát chúng chặt chẽ, có thể dựa vào những gợi ý cho sẵn để đảm bảo đạt được một mục tiêu nhất định. 

Ví dụ:

Mục tiêu: học về Conjunctions

Yêu cầu đề bài: giảng viên yêu cầu học viên ghép các nửa câu với nhau để tạo thành một câu hoàn chỉnh, đúng ngữ pháp và hợp lý về ngữ nghĩa. Với hoạt động này, chỉ có một kết quả đầu ra duy nhất. 

2. Dựa trên chỉ dẫn

Với dạng này, giảng viên sẽ là người quyết định phần kiến thức cần luyện tập, nhưng học viên có quyền tự do lựa chọn nội dung, miễn là bám sát phần lý thuyết đó. Chẳng hạn vẫn với nội dung là Conjunctions, học viên không phải ghép câu có sẵn mà sẽ là người tự đưa ra các câu của riêng mình, miễn là sử dụng đúng từ nối phù hợp. Hoặc một học viên sẽ nói nửa câu đầu và giảng viên cung cấp từ nối, một học viên khác sẽ là người hoàn thành câu.

3. Tự do sáng tạo

Với nhóm hoạt động cuối cùng, giảng viên đóng vai trò cung cấp nội dung, và học viên có toàn quyền quyết định ngôn ngữ mình sử dụng để hoàn thành hoạt động đó. Chẳng hạn như giảng viên có thể đưa ra câu hỏi thảo luận nhóm về chủ đề đang học “Crime” – “Do you think all criminals are bad people?” và học viên tự do trao đổi, thảo luận về chủ đề đó.

Giảng viên có thể tuỳ theo tình hình và nhu cầu lớp học mà lựa chọn các loại hoạt động trên. Dưới đây là một số hoạt động gợi ý giảng viên có thể tham khảo để áp dụng vào lớp học của mình.

4. Thảo luận giảng viên với lớp

Hoạt động giảng viên hỏi cả lớp sẽ phù hợp đối với các hoạt động truyền tải kiến thức, lý thuyết đơn thuần hoặc những câu hỏi phức tạp, nếu chia nhóm/cặp thì không phải học viên nào cũng tìm ra câu trả lời. Việc này cũng có thể được áp dụng với kiểm tra bài cũ, khi đảm bảo tất cả học viên đều biết câu trả lời. Tuy nhiên, nếu một lớp học luôn chỉ có giảng viên trao đổi với cả lớp ngắn gọn, giảng viên hỏi và học viên trả lời, sẽ không có nhiều cơ hội để học viên được thực hành mà chỉ có các bạn năng nổ hoặc tự tin mới đưa ra câu trả lời, còn các bạn khác sẽ ngồi yên lặng, hoặc không tham gia tích cực vào hoạt động. Chẳng hạn với một lớp học trung bình dài 2 tiếng (120 phút), mỗi học viên có khoảng 8 phút để được trao đổi, tương tác với giảng viên, đây là chưa kể thời gian dành cho việc giảng viên giảng lý thuyết.

Giảng viên có thể cân nhắc sử dụng những hoạt động mà cho phép học viên suy nghĩ lâu hơn, bởi đôi khi học viên sẽ thích có thời gian riêng để bản thân tập trung suy nghĩ, tự cố gắng tìm ra đáp án trước khi đối chiếu lại với bạn học hay với giảng viên. Các hoạt động cá nhân có thể bao gồm để học viên làm bài tập rồi sau đó chữa, hoặc yêu cầu học viên viết câu sử dụng từ/cấu trúc đã học sau đó giảng viên thu thập lại và tìm ra những lỗi sai chung của cả lớp, hoặc chữa riêng cho những bạn nhanh nhất, các hoạt động kết hợp trò chơi cũng có thể được áp dụng cho từng cá nhân, VD như bạn nào trả lời được nhiều câu hỏi nhất, hay nhanh nhất, sẽ giành chiến thắng. Giảng viên cũng có thể áp dụng hoạt động cá nhân trước khi kết thúc buổi học, yêu cầu học viên mỗi người đều viết ra những câu hỏi, băn khoăn của mình về phần kiến thức đã học vào một tờ giấy rồi gửi lại cho giảng viên, học viên được lựa chọn đề tên mình hoặc không. Giảng viên sẽ xem lại những thắc mắc này và giải đáp cá nhân hoặc cùng cả lớp trong buổi học sau, để đảm bảo mỗi phần kiến thức được học trên lớp đều được học viên nắm chắc. Cuối cùng, giảng viên có thể lồng ghép hoạt động cá nhân với hoạt động nhóm, cho phép học viên có thời gian suy nghĩ trước, rồi trao đổi lại với bạn học, rồi đến giảng viên.

5. Thảo luận theo nhóm/cặp

5.1 Lợi ích của hoạt động

Việc để học viên thảo luận trước với bạn cùng lớp đem lại rất nhiều lợi ích. Đầu tiên, học viên sẽ cảm thấy tự tin hơn khi chia sẻ suy nghĩ, quan điểm cá nhân của mình, bất kể bạn học có cùng quan điểm hay không, và sau đó có nhiều khả năng chủ động trình bày quan điểm này trước cả lớp hơn, so với việc tự suy nghĩ. Tiếp đó, việc này giúp học viên hiểu sâu về vấn đề, kiến thức hơn. Học viên sẽ tìm cách diễn giải quan điểm của mình sao cho bạn học hiểu, cũng như hai bên có cơ hội thảo luận kỹ về vấn đề, đưa ra những góc nhìn khác nhau, vừa giúp phát triển tư duy phản biện, vừa giúp học viên luyện tập khả năng ngôn ngữ. 

Giảng viên có thể áp dụng phương thức này qua các hoạt động như kiểm tra, đối chiếu đáp án trước khi cả lớp cùng chữa. Hai bạn học viên sẽ cùng so sánh đáp án, tìm ra những câu chưa có đáp án giống nhau rồi cùng nhau thảo luận, trao đổi để tìm ra đáp án chính xác nhất, học hỏi lẫn nhau. Có thể bạn A sai ở câu 1 đúng câu 2 còn bạn B thì ngược lại. Qua việc trao đổi này, hai bạn sẽ cùng giải thích cho nhau lý do mình chọn đáp án, trao đổi kiến thức, bổ sung những thiếu sót của nhau.

5.2 Gợi ý một số cách chia nhóm/cặp

Khi chia nhóm, giảng viên cần lưu ý về số lượng thành viên trong một nhóm. Sĩ số không nên quá lớn, để đảm bảo không thành viên nào bị bỏ lại phía sau, đặc biệt trong các hoạt động cần thảo luận sâu vào một vấn đề, nên giới hạn số thành viên trong một nhóm từ khoảng 3 đến 6 bạn, tuỳ hoạt động.

Có nhiều cách mà giảng viên có thể chia nhóm cho học viên thảo luận, trao đổi. Dưới đây là một số phương thức phân chia giảng viên có thể cân nhắc áp dụng sao cho phù hợp với lớp học của mình.

Phương thứcNội dung cụ thể
Theo vị trí ngồiĐơn giản và dễ dàng nhất, giảng viên sẽ ghép cặp hoặc chia nhóm học viên theo vị trí ngồi, trái phải hoặc trên dưới, cách này khá thuận tiện, học viên không mất thời gian di chuyển mà có thể bắt tay luôn vào việc thực hiện hoạt động. Tuy nhiên, đối với một số hoạt động, giảng viên cũng cần cân nhắc chia cặp/nhóm theo trình độ năng lực. 
Lệch trình độGiảng viên có thể ghép cặp/nhóm lẫn trình độ, giúp các bạn giỏi hơn có cơ hội chia sẻ kiến thức và đảm bảo rằng mình nắm chắc, hiểu rõ chúng, đồng thời giúp các bạn chậm hơn có cơ hội học hỏi thêm và được hỗ trợ từ bạn học. Tuy nhiên, không nên lạm dụng kiểu chia nhóm/cặp này, vì các bạn học viên giỏi có thể sẽ cảm thấy khó chịu khi mình luôn phải dành thời gian giảng giải những phần kiến thức căn bản, mà không học được thêm những thứ phức tạp, khó hơn, thử thách hơn để phát triển bản thân; còn các bạn chậm hơn sẽ luôn cảm thấy bất an, rằng xung quanh mình toàn các bạn giỏi còn mình lúc nào cũng không hiểu rõ bằng. 
Cùng trình độCách ngược lại là phân chia theo cùng năng lực, các bạn có trình độ tương đương sẽ làm việc với nhau, và sẽ được phân chia nhiệm vụ/bài tập phù hợp với năng lực của mình. Như vậy, các bạn giỏi sẽ cùng nhau trả lời những câu hỏi khó hơn, còn các bạn chậm hơn sẽ có nhiều cơ hội để nói lên quan điểm bản thân mà không sợ bị đánh giá bởi những người giỏi hơn hẳn mình. 
Theo độ thân thiếtNgoài ra, trong một lớp học ngôn ngữ, đôi khi giảng viên cũng nên cân nhắc phân chia cặp/nhóm theo mức độ thân thiết của học viên. Điều này xuất phát từ tâm lý e ngại khi phải nói một thứ tiếng khác trước mặt người lạ, học viên có thể cảm thấy xấu hổ khi mình chưa nói trôi chảy, phát âm sai hay sử dụng sai từ, dẫn đến việc không được luyện tập nhiều. Việc đưa học viên vào một môi trường nơi học viên đó cảm thấy ‘an toàn’ là một điều rất quan trọng, giúp học viên có nhiều cơ hội thể hiện bản thân hơn, đặc biệt với kĩ năng nói.
Mẹo phân chia nhóm nhanh, có thể lồng ghép nội dung bài họcVậy, làm sao để phân chia nhóm cho học viên, không dựa trên vị trí ngồi, một cách nhanh chóng, không gây cản trở đến hoạt động? Nếu giảng viên chỉ đơn giản nói “Mình tìm một partner để thảo luận/làm việc nhé!”, lớp học sẽ trở nên hỗn loạn, có học viên sẽ nhanh chóng tìm được đối tác, có bạn thì sẽ rất loay hoay và mông lung. Để tránh điều này xảy ra, giảng viên có thể phân cho mỗi bạn một con số, và yêu cầu bạn đó tìm (những) người có cùng số với mình để thảo luận. Khi thực hiện cách này, học viên sẽ hiểu rõ mình phải làm gì, rút gọn thời gian không dành cho việc thảo luận, thêm nhiều cơ hội thực hiện hoạt động một cách hiệu quả hơn. Không chỉ vậy, giảng viên có thể ngầm sắp xếp học viên dựa trên trình độ, VD như các bạn có cùng số sẽ có cùng trình độ. Sáng tạo hơn, giảng viên có thể lồng ghép các từ/cụm từ mới học của buổi hôm đó vào việc phân chia nhóm này, để giúp hoạt động thêm phần thú vị. Chẳng hạn như chủ đề của buổi học/unit đang là Crime, giảng viên có thể phân cho từng học viên là Criminal hay Judge, và yêu cầu các bạn Criminal phải tìm ‘đồng loã’ của mình, hoặc tìm một Judge để giúp mình ‘hoàn lương’. Giảng viên cũng có thể ngầm phân Criminal cho các bạn giỏi hơn và Judge cho các bạn chậm hơn, từ đó áp dụng phương thức ghép cặp/chia nhóm lệch trình độ như đã trình bày ở trên.

6. Gợi ý một số hoạt động cụ thể

6.1 Hoạt động hỗ trợ học Speaking

Giảng viên có thể tổ chức debate theo chủ đề của buổi học.

Ví dụ:

Trọng tâm của bài: Chủ đề Crime

Yêu cầu: Lớp được chia làm 2 phe, một phe ủng hộ án tử và một phe không ủng hộ. Học viên sẽ không được chọn phe của mình mà phải cố gắng tìm cách tranh luận một cách khách quan một cách logic và thuyết phục nhất, ngay cả khi bản thân không đồng ý với quan điểm đó.

Hướng dẫn – can thiệp: Giảng viên có thể cung cấp trước một số từ vựng chủ đề hoặc cung cấp thêm, hướng dẫn học viên cách diễn đạt phù hợp. Tuỳ vào mục đích của buổi học, giảng viên có thể tập trung chữa cả lỗi về ngữ pháp – phát âm của học viên hoặc chỉ đơn thuần tập trung vào tính thuyết phục của luận điểm. Tuy nhiên, lưu ý không nên ngắt mạch suy nghĩ – trả lời của học viên mà đợi học viên hoàn thành câu trả lời của mình rồi mới chỉ ra các lỗi sai nếu có.

Hoạt động hỗ trợ học phát âm

Giảng viên sẽ giao cho cả lớp một mẩu hội thoại hoặc một đoạn văn ngắn, chia lớp làm các cặp/nhóm nhỏ và yêu cầu các thành viên lần lượt đọc đoạn văn đó. Tuy nhiên sẽ có một số âm bị cấm, VD như âm /b/, học viên sẽ không được đọc âm này mà phải lược đi. VD thay vì ‘bike’ thì học viên chỉ đọc ‘ike’. Giảng viên có thể đổi các đoạn kịch bản khác nhau, và cho phép các thành viên trong nhóm đưa ra hình phạt cho bạn vi phạm. Với hoạt động này, các học viên đều sẽ lần lượt phát âm các từ mà giảng viên muốn và giảng viên có thể quan sát xem học viên nào còn phát âm chưa đúng hay đâu là lỗi sai chung của cả lớp và ghi chú lại, sau khi kết thúc hoạt động sẽ tổng kết lại một lượt.

Một hoạt động khác giảng viên có thể áp dụng là truyền câu. Lớp sẽ được chia làm hai hàng, giảng viên nói cho 2 bạn ở đầu hàng một câu, và các bạn đó lần lượt nói thầm lại câu này với thành viên trong nhóm của mình, sao cho đội bên kia không nghe được. Đội nào viết lại được câu hoặc nói lại với giảng viên câu đó nhanh nhất và chính xác nhất sẽ dành chiến thắng. Sau khi trò chơi kết thúc, giảng viên có thể kiểm tra lại giữa các thành viên trong nhóm xem bạn mình đã phát âm đúng từ chưa, có từ nào đa số các bạn đều nói sai dẫn đến mình hiểu sai từ không. Hoạt động này còn có thể giúp phát triển khả năng nghe của học viên.

6.2 Hoạt động hỗ trợ học từ vựng

Sau khi đã đưa cho học viên một danh sách từ vựng của buổi học. Giảng viên có thể đưa ra một trò chơi ngắn gọn, yêu cầu học viên phải minh hoạ lại từ đó bằng hành động hoặc từ đồng nghĩa, gợi ý. Lớp sẽ được chia làm 2-3 đội tuỳ theo sĩ số thực tế, và thành viên từ mỗi đội sẽ minh hoạ lại từ vựng, đội nào đoán được từ đầu tiên sẽ được một ngôi sao, cuối trò chơi đội với nhiều sao nhất sẽ thắng cuộc. Hoặc giảng viên có thể đổi ngược lại, thành viên lên trên bảng sẽ là người đoán từ trong khi các thành viên bên dưới sẽ cố gắng diễn tả từ vựng mà không được đánh vần hay nói nghĩa tiếng Việt. Hoạt động này giúp học viên có sự liên hệ giữa các từ đồng nghĩa, trái nghĩa với nhau hoặc hiểu được hơn về từ loại của từ, hay có sự liên kết giữa từ vựng với hành động, hình ảnh minh hoạ và từ đó nhớ từ lâu hơn.

Minh hoạ sử dụng Word Scramble cho chủ đề Education

Một hoạt động nữa giảng viên có thể cân nhắc áp dụng là Bingo. Giảng viên sẽ cung cấp 1 danh sách từ vựng và yêu cầu học viên kẻ các ô 4×4 hoặc 5×5 tuỳ số lượng từ, và viết từ trong danh sách xuống. Sau đó ghép cặp 2 bạn một, mỗi bạn sẽ đặt một câu có chứa từ vựng (một câu có thể chứa nhiều từ) sao cho mình nhanh chóng có đủ 4 hoặc 5 hàng nhất. Các cặp sẽ tự xác định xem đối tác của mình đặt câu đã đúng ngữ pháp, hiểu đúng từ hay chưa, nếu sai thì sẽ mất lượt đó, giảng viên cũng sẽ đi quanh lớp giám sát điều này và chỉ ra các lỗi sai khi học viên đọc câu của bản thân. Hoạt động này vừa giúp học viên cố gắng nhớ và hiểu từ để áp dụng vào câu, vừa khiến học viên cẩn thận hơn với các lỗi sai về ngữ pháp khi đặt câu để tránh mất lượt.

Giảng viên cũng có thể soạn nên các bảng ô chữ và yêu cầu học viên tìm các từ vựng liên quan đến chủ đề đang học.

Minh hoạ bảng tìm từ chủ đề Globalization

Hoặc sử dụng các câu hỏi liên quan đến từ vựng và yêu cầu học viên tìm đáp án và điền vào ô chữ.

Minh hoạ ô chữ trả lời câu hỏi

6.3 Hoạt động hỗ trợ học lý thuyết

Trước khi giảng viên giảng lý thuyết, có thể chia lớp thành các nhóm nhỏ và yêu cầu mỗi một nhóm tìm hiểu về một phần của lý thuyết bài học ngày hôm đó, hoặc cùng tìm đáp án cho một câu hỏi chung. 

Ví dụ: 

Trọng tâm của bài: Học về Mạo từ (Articles)

Hình thức: Sẽ có 3 nhóm học viên tìm hiểu lần lượt về về các trường hợp sử dụng (i) mạo từ không xác định a/an, (ii) mạo từ xác định ‘the’ và (iii) không dùng mạo từ. 

Tổng kết: Rồi sau đó các nhóm sẽ trình bày lại những gì mình tìm được cho cả lớp và giảng viên sẽ là người tổng kết. 

Hoặc giảng viên cũng có thể yêu cầu cả lớp cùng trả lời chung một câu hỏi, rồi các nhóm bổ sung và phản biện lẫn nhau, chẳng hạn như “Sự khác nhau giữa thì quá khứ hoàn thành và quá khứ hoàn thành tiếp diễn là gì?”

6.4 Hoạt động ứng dụng cấu trúc ngữ pháp

Giảng viên chia lớp thành các nhóm nhỏ và yêu cầu học viên thảo luận trong phạm vi cấu trúc đã học. 

Ví dụ:

Trọng tâm của bài: Câu điều kiện

Hình thức: Giảng viên đưa sẵn một danh sách các vế điều kiện và để học viên trao đổi với nhau xem mình sẽ làm gì trong tình huống đó. Giảng viên có thể tăng độ khó cho trò chơi bằng việc áp dụng các câu điều kiện hỗn hợp và đảm bảo học viên bám sát cấu trúc. 

Tổng kết: Sau khi hoạt động kết thúc, giảng viên gọi ngẫu nhiên thành viên từ các nhóm và hỏi bạn đó/hoặc bạn khác cùng nhóm của em – sẽ làm gì trong tình huống này. VD: What would you/your friend do if you/she win(s) the lottery?

Hoặc chẳng hạn hôm đó học về thì quá khứ đơn và quá khứ tiếp diễn, giảng viên sẽ áp dụng phương thức tương tự, đưa ra một vế câu và học viên hoàn thành vế còn lại một cách sáng tạo, hoặc chia sẵn thành các nửa câu trong các mẩu giấy, và học viên sẽ sắp xếp lại sao cho câu phù hợp về ngữ pháp và ngữ nghĩa.

I was having a date with my crushThey broke a precious vase
My friends were throwing a partyHe forgot his wallet

Minh hoạ hoạt động ghép câu

V. Công cụ tổ chức hoạt động trong lớp 

Wordwall

Wordwall là một trang web giúp hỗ trợ tổ chức hoạt động học tập cả trực tiếp và trực tuyến. Giảng viên có thể tự thiết kế các hoạt động của riêng mình ở mục Create Activity hoặc tìm kiếm các hoạt động có sẵn ở mục Community. 

Số lượng hoạt động có sẵn trên trang web rất đa dạng, bao gồm đầy đủ các phần kiến thức cần thiết như lý thuyết hay ứng dụng. Và các loại hoạt động cũng phong phú, chẳng hạn như học viên chọn một số bất kì trong danh sách các ô chứa số có sẵn và trả lời câu hỏi bên trong, hoặc đặt câu với từ bên trong, hoặc đoán từ dựa vào hình ảnh có bên trong, … 

Minh hoạ các loại hoạt động có trên word wall

Ưu điểm của Word wall là giảng viên có thể áp dụng đối với cả hình thức học trực tuyến và trực tiếp, học viên không phải thao tác gì khác ngoài nhìn vào màn hình và trả lời câu hỏi. Giảng viên cũng có thể gửi đường link của hoạt động để học viên về nhà thực hành lại. Về nhược điểm, hoạt động này nếu áp dụng trên lớp thì từng học viên sẽ không có cơ hội thực hành các trò chơi riêng mà giảng viên sẽ là người thao tác chính. Giảng viên sẽ không biết được trình độ hay khó khăn riêng của từng cá nhân. Vì vậy, giảng viên có thể cân nhắc các hoạt động phù hợp với việc giảng dạy trên lớp, và các hoạt động nào phù hợp với việc luyện tập tại nhà.

Hướng dẫn sử dụng word wall 

Quizizz

Tương tự như Word wall, quizizz cũng là một trang web vô cùng thuận tiện cho việc tổ chức hoạt động của giảng viên và học viên. Ưu điểm của trang web này là giảng viên không bị giới hạn số hoạt động mình được tạo riêng, chỉ cần vào mục “Tạo mới” và soạn nên một hoạt động cho riêng lớp mình.

Hoặc giảng viên cũng có thể tìm kiếm các hoạt động có sẵn rồi chỉnh sửa lại cho phù hợp, quizizz có đa dạng các hoạt động ở rất nhiều các môn học, và được chia ra làm nhiều trình độ lớp học khác nhau

Đây là một hoạt động phù hợp cho học viên lớp 12, với tỉ lệ chính xác trung bình là 53%, đã được sử dụng 80 lần, thuộc bộ môn English, 

Minh hoạ thông tin của 1 hoạt động có sẵn

Không chỉ vậy, giảng viên còn có thể theo dõi tỉ lệ các câu đúng của học viên, xem câu hỏi nào đa số học viên đều gặp khó khăn, hay bạn nào trong lớp chưa hiểu bài kỹ.

Minh hoạ bảng theo dõi của giảng viên

Tuy nhiên, một nhược điểm của trang web này là học viên phải mất thêm thời gian thao tác và cần có kết nối mạng và thiết bị riêng để tham gia. Vì vậy, sẽ không phù hợp nếu sử dụng quizizz ở một lớp học trực tiếp nếu không đảm bảo tất cả học viên đều có thể tham gia.

Học viên sẽ truy cập vào đường link/mã trò chơi giảng viên gửi và tiến hành đăng nhập, điền tên của mình.

Hướng dẫn sử dụng Quizizz

Kahoot

Kahoot là một trang web được phát triển để giúp giảng viên và học viên học tập tốt và hiệu quả hơn dựa trên nền tảng trò chơi. Trò chơi trong Kahoot không chỉ là các câu hỏi trắc nghiệm mà giáo viên có thể chèn hình ảnh, âm thanh hay link video trên YouTube.

Giáo viên có thể nhanh chóng tạo hoạt động của mình khi chỉ cần vào mục Create, điền câu hỏi và đáp án một cách rất dễ dàng.

Hoặc giảng viên có thể chọn mẫu Template có sẵn trên Kahoot, rồi chỉnh sửa lại để phù hợp với bài giảng của mình.

Minh hoạ giao diện câu hỏi của Kahoot!

Đối với Kahoot, giảng viên có thể lựa chọn chia nhóm và để hai đội cùng cạnh tranh qua các trò chơi mang tính giáo dục. Kahoot cho phép nhiều lựa chọn, giảng viên sẽ chia sẻ màn hình của mình – chứa câu hỏi, còn màn hình của học viên sẽ chứa câu trả lời, hoặc sử dụng chức năng như quizizz – mỗi học viên sẽ làm việc cá nhân để tìm ra đáp án.

Minh hoạ giao diện nhóm

Một nhược điểm của Kahoot là học viên có thể khó sử dụng hơn, và tốc độ load trang của Kahoot chậm hơn Quizizz, không phù hợp với các đường truyền không ổn định.

Hướng dẫn sử dụng Kahoot

Padlet

Padlet là một trang web cho phép học viên tự do đăng tải trên một trang nền trung, có thể đề tên hoặc ẩn danh, để giảng viên theo dõi. Trang web này rất phù hợp trong việc thu thập ý kiến học viên, hoặc để học viên tự do sáng tạo câu với từ vựng/cấu trúc cho sẵn đã học. Giảng viên chỉ cần vào mục “Tạo một padlet”, điền tên Padlet mình muốn và gửi lại đường link truy cập cho học viên để học viên tham gia.

Minh hoạ một padlet ứng dụng thì tương lai

Với tài khoản miễn phí, Padlet giới hạn số hoạt động giảng viên có thể tạo, cũng như số câu trả lời học viên được đăng tải chỉ được dưới 25. Tuy nhiên giảng viên có thể tái sử dụng một padlet nhiều lần bằng cách xoá đi câu trả lời của các học viên lớp cũ và bắt đầu hoạt động với lớp mới, hoàn toàn phù hợp với các lớp học ngôn ngữ sĩ số dưới 25.

Hướng dẫn sử dụng Padlet

Google slide, Google document và Google sheet

Đôi khi một trang tính trắng hoặc một trang slide trống sẽ là một không gian phù hợp hơn cả để học viên thỏa sức sáng tạo. Ưu điểm của những công cụ này là tính quen thuộc với cả giảng viên lẫn học viên. Trong bối cảnh công nghệ phát triển, cũng như đại dịch khiến học sinh sinh viên phải học trực tuyến, đa số các bạn đều đã biết đến các tính năng của các trang liên quan đến Google như làm bài tập và chia sẻ trên Google Document. Vì vậy, giảng viên sẽ không mất quá nhiều thời gian giới thiệu và hướng dẫn sử dụng mà có thể tiến hành hoạt động luôn.

Với Google Document, có rất nhiều hoạt động giảng viên có thể làm, chẳng hạn như để cả lớp cùng sáng tạo một đoạn văn, hay cả lớp cùng tìm ra lỗi sai của một đoạn văn bằng cách bôi đậm/bôi màu lỗi sai đó. Với Google sheet, giảng viên có thể lập sẵn cột chứa tên học viên, chia nhóm và yêu cầu học viên tìm đến cột của mình và hoàn thành phần việc được giao. Với Google Slide, mỗi học viên đều sẽ tự tạo cho mình một trang riêng để sáng tạo qua thao tác “Duplicate Slide”, giảng viên có thể dễ dàng theo dõi tiến độ làm việc của từng học viên hay từng nhóm rồi sau đó tổng hợp lại. Đặc biệt Google slide rất phù hợp với các hoạt động có sử dụng hình ảnh hay video.

Minh hoạ sử dụng Google slide

Minh hoạ sử dụng Google sheet 

Như vậy, có thể thấy được việc ứng dụng hiệu quả và đa dạng các hoạt động trên lớp đem lại cho học viên cũng như giảng viên những trải nghiệm thú vị và bổ ích, góp phần cải thiện khả năng tiếp thu và thực hành của học viên qua ứng dụng kiến thức thay vì chỉ nghe lý thuyết suông. Dựa vào trình độ của lớp, mục tiêu và lượng kiến thức của buổi học mà giảng viên lựa chọn ra những hoạt động phù hợp nhất. Trong quá trình chuẩn bị và điều khiển hoạt động, giảng viên nên cố gắng tuân theo các bước hướng dẫn đầy đủ, để đảm bảo học viên thực hành đúng, sau khi hoạt động kết thúc đem lại hiệu quả như mong đợi và giảng viên lường trước và giải quyết được các tình huống phát sinh.

Trên đây là bài viết chia sẻ của Giảng Viên Vũ Thảo Phương về cách tổ chức hoạt động lớp học hiệu quả. Nếu các bạn muốn có thêm đánh giá nào khác hãy để lại lời nhắn ở phần bình luận bên dưới, IZONE sẽ luôn sẵn lòng giải hỗ trợ.