Cá nhân hoá phương pháp dạy học – đem lại hiệu quả cao

I. Cá nhân hóa khi dạy học là gì? 

Khi hình dung về một lớp học, đa số mọi người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh giảng viên đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức, bên dưới là các học viên chăm chú lắng nghe. Giảng viên sẽ trao đổi với cả lớp nói chung, đảm bảo theo sát tiến độ của bài giảng, của chương trình học. Đó, là phương pháp giảng dạy truyền thống.

Với phương pháp này, một tình huống dễ xảy ra, là khi giảng viên tương tác với cả lớp, với tư cách một nhóm học viên, rất có thể sẽ xuất hiện những bạn nhanh hơn, và những bạn chậm hơn, có những bạn thích được thực hành nhiều hơn, có những bạn lại thích tìm hiểu sâu lý thuyết. Từ phía học viên, với phương pháp này, tất cả các giảng viên, và các lớp học đều sẽ như nhau. Tất cả đều tuân theo quy trình: học viên đến lớp học – giảng viên giảng bài – học viên về làm bài tập. Như vậy, sẽ không có gì đặc biệt ở lớp học đó, giảng viên không có sự kết nối với học viên, mà học viên cũng chưa chắc đã có thể thật sự học tập hiệu quả.

Hình minh hoạ

Chẳng hạn như trong một lớp học, một nửa học viên hiểu bài, còn một nửa không. Nếu giảng viên không nắm rõ học viên của lớp, không chắc nên tiếp tục giảng bài – dẫn đến một nửa không hiểu dần dần tụt lại phía sau, không theo kịp lớp, hay giảng lại bài nhiều lần – dẫn đến một nửa còn lại phải nghe đi nghe lại phần kiến thức mà với bản thân họ quá đơn giản, thì việc học tập sẽ trở nên không hiệu quả. Hơn nữa, học viên cũng cảm thấy giảng viên không thật sự quan tâm đến nhu cầu học của mình, không nắm chắc trình độ của mình.

Để đảm bảo học viên được cung cấp kiến thức theo cách họ cần, theo tốc độ phù hợp với khả năng, thể hiện được sự tận tâm từ giảng viên đối với từng cá nhân học viên, lúc này, giảng viên cần áp dụng phương pháp cá nhân hoá trong dạy học.

Hiểu một cách đơn giản, cá nhân hoá trong giảng dạy là một phương thức giáo dục chú trọng đến ưu và nhược điểm cũng như nhu cầu riêng của từng học viên.  Phương pháp này sẽ có cách tiếp cận khác đối với việc học, so với giáo dục truyền thống – một cách truyền đạt áp dụng cho cả lớp, không có sự khác biệt với từng tập thể lớp hay từng cá nhân riêng. Thay vào đó, giảng viên sẽ đưa ra những định hướng, kế hoạch phát triển cá nhân sao cho phù hợp với trình độ, kỹ năng cũng như sự hứng thú của từng (nhóm) học viên. 

Một yếu tố quan trọng của phương thức này là sự hợp tác giữa học viên và giảng viên, sao cho chính những người đang học cũng có thể làm chủ con đường học tập của mình cũng như cách họ tiếp cận kiến thức trên lớp, từ có tham gia nhiều hơn vào việc học, đem lại hiệu quả giáo dục cao hơn.

Với quy mô lớp đông, việc có sự tập trung dành cho mỗi cá nhân tương đối khó, vì giáo viên cần phải cân bằng giữa việc truyền tải lượng kiến thức lớn, với việc chia sự chú ý này đến cá nhân học viên Vì vậy, trọng tâm để làm được điều này, giáo viên cần phải có kỹ năng tốt cũng như cần đảm bảo mình nắm chắc trình độ và hiểu rõ tâm lý của lớp học, sao cho có cách tiếp cận phù hợp nhất với cả lớp nói chung và từng học viên nói riêng, khiến cho mỗi học viên trong lớp đều có thể cảm nhận được sự quan tâm, tận tình của giảng viên, và cảm thấy bản thân được chú ý trên lớp, không bị ‘vô hình’ hay yếu thế hơn khi đứng cạnh các thành viên nổi bật khác trong lớp.

II. Lợi ích của cá nhân hoá khi giảng dạy

Nhìn chung, cá nhân hoá trong bất kỳ lớp học nào cũng có thể đem lại nhiều lợi ích cho cả giảng viên lẫn học viên. Với lớp học ngôn ngữ nói riêng, việc giảng viên áp dụng những phương pháp cá nhân hoá sẽ đem lại những lợi ích sau:

(i) Mối liên kết giữa giảng viên và học viên cũng như giữa các học viên với nhau sẽ phát triển tốt hơn khi những thông tin về bản thân được chia sẻ, được biết đến;

(ii) Các hoạt động học tập trên lớp đem lại nhiều hứng thú hơn cho học viên do mang tính ‘cá nhân hoá’ cao, phù hợp với từng (nhóm) học viên;

(iii) Học viên sử dụng những từ vựng, cấu trúc được học một cách ‘chân thật’ hơn vì liên hệ với kinh nghiệm, câu chuyện cá nhân, có nhiều cảm xúc trong việc học hơn từ đó hỗ trợ trí nhớ (khiến học viên nhớ bài lâu hơn).

1. Phối hợp nhiều hơn và hiệu quả hơn

Như đã nói ở trên, sự phối hợp là một phần không thể thiếu của phương pháp cá nhân hoá. Giảng viên và học viên cùng tìm ra mục tiêu học phù hợp nhất và những định hướng phục vụ cho mục tiêu đó, sao cho hài hoà giữa chương trình học và nhu cầu cá nhân. Và các học viên cũng được khuyến khích hợp tác với bạn học của mình trong việc chia sẻ thông tin, kiến thức, phối hợp trong các hoạt động học tập.

Hơn nữa, phương pháp cá nhân hoá cũng giúp tiết kiệm thời gian của cả học viên lẫn giảng viên. Vì đây là phương pháp cho học viên nhiều quyền tự do hơn, nên giảng viên có thể giảm bớt thời gian quản lí từng chút một, mà hỗ trợ học viên trong quá trình học cá nhân của mình. Ngoài ra, việc kết hợp công nghệ, các công cụ trực tuyến như Notion hay Google classroom sẽ giúp giảm bớt thời gian chấm bài hay nhắc lại lý thuyết của giảng viên nhưng vẫn đem lại hiệu quả cao, vẫn hỗ trợ tương tác cá nhân với học viên. Đặc biệt, những công cụ này còn cho giảng viên thấy học viên đang phát triển ra sao qua từng giai đoạn học, đang yếu kém ở đâu để giảng viên kịp thời có biện pháp xử lí với từng đối tượng.

2. Cá nhân hoá việc học

Mỗi một học viên đến lớp đều sẽ có mục tiêu riêng, việc cá nhân hoá trong giảng dạy giúp học viên sử dụng tốt nhất phần kiến thức đã học để theo đuổi mục tiêu đó. Phương pháp cá nhân hoá khuyến khích học viên chủ động tìm ra điều gì thúc đẩy mình, tìm ra những cách học hiệu quả nhất với bản thân – dựa trên hướng dẫn của giảng viên. Bằng việc khiến học viên trực tiếp tham gia xây dựng bài học, cách học và nội dung học, cá nhân hoá giúp học viên có cách tiếp cận chủ động hơn với hành trình học tập của mình.

3. Học viên học tập hiệu quả

Mục đích của việc áp dụng phương pháp này trong giảng dạy là hỗ trợ cho việc học của học viên. Do mối quan hệ giữa các thành viên trong lớp, bao gồm cả giảng viên, được thắt chặt hơn và sự liên kết giữa bản thân học viên và ngôn ngữ cũng như quá trình học tập được làm rõ hơn, học viên được thúc đẩy tìm ra nhịp học và cách học phù hợp, tìm ra sự hứng thú của mình trong quá trình học. So với cách giảng dạy truyền thống, giảng viên đưa ra thông tin cho cả lớp – học viên học thông tin đó, thì cá nhân hoá sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt hơn trong việc thúc đẩy cải thiện kết quả học tập của học viên.

III. Các phương pháp cá nhân hoá khi giảng dạy

1. Phương pháp quản lý lớp học 

1.1. Tạo dựng mối quan hệ tốt

Đầu tiên, giảng viên nên đảm bảo lớp học của mình đang mở ra một môi trường thoải mái, thân thiện, thúc đẩy học viên chia sẻ về bản thân – những thông tin mà sẽ trở nên hữu ích cho việc áp dụng phương pháp cá nhân hoá trong suốt khoá học. Ngay từ buổi khai giảng, từ giây phút đầu tiên gặp gỡ, giảng viên cần đảm bảo rằng bản thân và học viên cũng như học viên với nhau, đều có một mối liên kết tích cực. Điều này có thể được thực hiện qua nhiều cách khác nhau, đơn giản như mở đầu lớp học với một nụ cười, tạo không khí sôi nổi, lan toả năng lượng tích cực đến cho học viên để học viên thấy mình được chào đón đến với khoá học. 

1.2. Những câu hỏi cá nhân

Sau khi học viên đã cảm thấy an toàn trong môi trường lớp học, giảng viên sẽ tiếp tục quá trình tạo dựng mối quan hệ tốt với học viên và gài gắm những hoạt động cá nhân hoá vào khoá học bằng cách thu thập thông tin từ học viên. Giảng viên tìm hiểu về từng học viên qua những câu hỏi mang tính cá nhân, chẳng hạn như bắt đầu những câu hỏi đơn giản, ngắn gọn mà học viên không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ, VD “Em thích nhất từ/cách diễn đạt nào trong Tiếng Anh? – Em nói được mấy thứ tiếng, theo em thì sự khác nhau giữa các ngôn ngữ đó là gì? (có thể là tiếng Việt và tiếng Anh). Giảng viên cũng có thể hỏi học viên về sở thích cá nhân hay những câu hỏi không liên quan đến tiêng Anh, nhưng yêu cầu học viên trả lời bằng tiếng Anh. Điều này giúp giảng viên ghi nhận lại những lỗi sai về phát âm, ngữ pháp, cách dùng từ mà học viên của lớp đang gặp phải, từ đó có kế hoạch giảng dạy tập trung hơn đến những lỗi sai này. Ngoài ra, những câu hỏi như vậy cũng giúp giảng viên hiểu sâu hơn về học việc, giúp việc xây dựng những bài giảng sau này mang tính cá nhân hoá hơn, liên quan đến sở thích cá nhân của học viên, khiến học viên hứng thú trong việc học hơn.

Ngoài các câu hỏi đơn giản như trên, giảng viên nên cân nhắc lồng ghép những câu hỏi về mục đích và kì vọng của học viên vào những buổi học đầu khoá. Học viên, đặc biệt nếu chưa giỏi Tiếng Anh, thường có kì vọng không đúng về việc học Tiếng Anh, chẳng hạn như cứ tham gia khoá học này là sẽ giỏi lên (cần làm bài tập cẩn thận và đi học đầy đủ, tập trung) hay chỉ cần tham gia một khoá học là có thể có sự đột phá về ngôn ngữ, nói tiếng Anh như người bản xứ. Giảng viên cần xác định rõ kì vọng về tiến độ của học viên ngay từ đầu khóa. Để làm được điều này, giảng viên cần giải thích rõ cho học viên mục tiêu của khóa, và những gì học viên sẽ đạt được sau khóa, theo hướng tích cực. 

Giảng viên có thể cho học viên thấy những ví dụ về những học viên thành công sau khóa học, chẳng hạn như sử dụng ví dụ kĩ năng có thể dễ thấy rõ sự tiến bộ nhất như phát âm hay ngữ pháp. Với các khóa trình độ thấp, tập trung vào xây dựng nền tảng (bao gồm các phần kiến thức như từ vựng, ngữ pháp, pháp âm), giảng viên có thể tập trung vào kỹ năng Speaking – là nhu cầu chung mà mọi học viên đều muốn cải thiện, và là kĩ năng dễ thấy được sự tiến bộ nhất. Nếu sau khoá học, học viên cảm thấy mình nói tốt hơn, điều này sẽ đem lại rất nhiều tự tin cho học viên và tạo động lực để họ tiếp tục theo đuổi quá trình ôn luyện. Với các khoá học trình độ cao hơn, giảng viên có thể đưa ra band điểm IELTS cụ thể, để học viên lấy đó làm mục tiêu phấn đấu.

Một câu hỏi giảng viên có thể cân nhắc sử dụng với học viên là “Vì sao em tham gia khoá học này?”.

Minh hoạ câu trả lời của học viên về kì vọng đầu khoá

Với câu hỏi này, câu trả lời của học viên sẽ rất đa dạng, có bạn thì có rõ mục tiêu của mình, có bạn thì do gia đình đăng ký, định hướng hoặc học cùng bạn bè ‘cho vui’. Việc giảng viên hiểu được những mong muốn của học viên khi tham gia khoá học, sẽ giúp định hướng kì vọng của các bạn cũng như cách bạn nhìn nhận khoá học và mức độ cam kết của bạn đó với khoá. Việc học viên có kì vọng đúng về khoá là cực kì quan trọng – nó giúp học viên xóa bỏ ảo tưởng rằng cứ đến lớp là giỏi hay chỉ sau vài tháng sẽ từ mất gốc đến đạt được 6.5 – 7.0, và có nhìn nhận đúng về quá trình học Tiếng Anh. 

Với các bạn đã có rõ định hướng, muốn cải thiện kĩ năng nào hay phát triển điều gì, giảng viên có thể giới thiệu kĩ hơn rằng qua khoá học này, các kĩ năng/lĩnh vực đó em sẽ được học ra sao. Chẳng hạn như với khoá 4-5 ở Izone, học viên muốn cải thiện khả năng Speaking, giảng viên có thể giải thích rằng “Để phát triển kĩ năng nói, trước hết em cần cải thiện phát âm của mình cũng như khả năng kiểm soát ngữ pháp khi nói. Ngoài ra, em cũng cần một lượng từ vựng nhất định của chủ đề mà em muốn nói đến. Đó là những điều em sẽ được học ở trong khoá.” 

Với những bạn vẫn còn mông lung, mục tiêu chưa rõ ràng “Tham gia khoá để học thôi ạ” hay “Em thấy bây giờ bạn bè em học nhiều lắm nên em cũng học”, giảng viên cũng nên định hướng ngay từ đầu khoá về trách nhiệm của các bạn học viên đó khi tham gia khoá học, với những bạn chưa có mục tiêu rõ ràng, rất có thể sự hào hứng sẽ chỉ kéo dài được vài buổi đầu, rồi sau đó sẽ dẫn đến việc đi học – làm bài tập không đầy đủ, do các bạn không hiểu rõ mục đích học, không biết tại sao mình lại tham gia khoá này. Thường chuyện này có nhiều khả năng xảy ra hơn ở những lớp có trình độ thấp, giảng viên có thể liên kết tính hữu ích của khoá học với trình độ học tập hiện tại của học viên, giúp các bạn có thể hiểu rõ khoá học hơn cũng như có cam kết với việc học tốt hơn. Chẳng hạn như ở trình độ thấp, giảng viên có thể giới thiệu về mục tiêu của khoá thiên về hướng học viên có thể giỏi hơn về Tiếng Anh nói chung, hay để phục vụ cho việc học trên lớp, những yếu tố như từ vựng hay ngữ pháp – đều có thể giúp các bạn trong chương trình học phổ thông ở trường.

2. Phương pháp chấm chữa BTVN 

Việc giảng viên chấm và chữa bài tập đầy đủ thể hiện sự quan tâm đến học viên ở mức độ cao nhất. Học viên khi làm bài muốn được chấm/được chữa/nhắc nhở, việc giáo viên nhắc nhở, theo dõi sát sao qua từng buổi học, lâu dài sẽ khiến tỷ lệ tham gia học và làm bài tập đầy đủ tăng cao, và giữ vức ở mức độ ổn định.

Tuỳ theo từng dạng bài tập, mức độ chi tiết và cá nhân hoá sẽ khác nhau.

2.1. Dạng bài tập giới hạn đáp án đúng

Với các dạng bài tập bị giới hạn về đáp án đúng như Grammar, Reading, Listening hay Vocab, giảng viên có thể gửi đáp án để học viên tự đối chiếu và tự check trước. Tất nhiên, việc này không có nghĩa rằng giảng viên không chữa những dạng bài này trên lớp, mà giảng viên có thể tiết kiệm thời gian bằng cách xác định những lỗi chung của lớp – những phần học viên hay làm sai và chữa chung những phần đó trên lớp. Trong phần đáp án của mình, giảng viên cũng có thể áp dụng cá nhân hoá bằng cách thêm vào đó những lời giảng chi tiết thay vì chỉ đưa đáp án không – học viên khi kiểm tra lại bài tập có thể sẽ được gợi nhớ hoặc hiểu sâu thêm về phần kiến thức liên quan đến bài học.

Phần đáp án nên chi tiết để học viên dù tự kiểm tra cũng có thể hiểu được phần nào kiến thức

Hoặc thay vì giảng viên là người chữa bài, học viên cũng có thể là người tự tìm ra câu trả lời. Chẳng hạn như bài Reading có 13 câu – câu 7 học viên hay làm sai. Giảng viên có thể kiểm tra lại xem trong lớp mình có bạn nào mắc lỗi sai tương tự và yêu cầu học viên đó giải thích tại sao lại sai (sau khi đã gửi đáp án để học viên ở nhà nghiên cứu lại). Đây là một cách cá nhân hóa việc chữa bài với học viên, học viên nhận thấy được thầy/cô có kiểm tra bài tập của mình và biết được mình đang yếu ở đâu, làm sai chỗ nào. 

Giảng viên cũng có thể làm trước bài tập và dự đoán những chỗ mà nhiều học viên có thể hay sai, gặp vấn đề hoặc làm đúng nhưng do cảm tính, chưa chắc đã hiểu đúng bài, và đem những phần kiến thức đó giảng giải lại ở buổi học tiếp theo. Các lỗi học viên hay mắc phải là các lỗi mang tính hệ thống,  việc  (1) giảng viên làm bài trước và (2) theo dõi bài làm của học viên sẽ giúp giảng viên hiệu rõ hơn các lỗi hệ thống của các trình độ học viên cũng như nguồn gốc của những lỗi này, từ đó đón đầu – cảnh báo trước trên lớp và giải thích, chữa lại sau khi học viên đã luyện tập.

2.2. Dạng bài tập đa dạng câu trả lời

Đây thường là các dạng bài tập liên quan đến các kĩ năng như Speaking hay Writing – mỗi học viên lại có nội dung riêng, và các lỗi sai cũng khó tổng hợp cụ thể, cần được chữa một cách chi tiết cho từng cá nhân. Với dạng bài này giảng viên có thể gửi cho học viên bản feedback chi tiết, sao cho học viên có thể học từ bản feedback của giảng viên. Cần xác định những lỗi mà học viên đó hay mắc phải, từ đó đưa ra feedback chi tiết cho học viên giúp học viên cải thiện vấn đề một cách hệ thống. Chẳng hạn bạn A hay sai lỗi về mạo từ còn bạn B hay sai về giới từ, việc feedback chi tiết cho từng bạn giúp mỗi học viên đều nắm rõ được những lỗi mình hay sai, có định hướng cải thiện riêng. Giảng viên chỉ chữa chung trên lớp những lỗi mà cả lớp đều mắc phải hoặc dễ mắc phải – tiết kiệm thời gian hơn.

Với kĩ năng Writing, giảng viên có thể áp dụng chấm và feedback theo 4 tiêu chí Task Achievement, Lexical Resource, Grammatical Range & Accuracy và Coherence & Cohesion. Giảng viên có thể cho điểm theo các mức độ Insufficient, Somewhat adequate, Adequate và Good – tương đương với điểm số. Chẳng hạn như ở mức Insufficient – học viên được 0, ở mức Somewhat adequate, học viên được 0.5. Lưu ý là áp dụng các tiêu chí sao cho phù hợp với từng trình độ học viên. Chẳng hạn như với học viên trình độ thấm, giới thiệu 2 tiêu chí là Grammar và Vocab, đến trình độ cao hơn giới thiệu thêm Coherence & Cohesion hay Task Response. Với Speaking, cũng có thể áp dụng các tiêu chí chấm/chữa bài riêng để hiệu quả/tiết kiệm thời gian một cách tương tự. Các học viên trình độ thấp sẽ tập trung vào phát âm hay ngữ pháp, các trình độ cao hơn sẽ làm quen dần với từ vựng được sử dụng hay độ trôi chảy, mạch lạc của bài nói.

Học viên đi học sẽ trông đợi nhiều nhất việc được chữa 2 kĩ năng là Speaking và Writing – 2 kĩ năng khó tự học nhất. Việc giảng viên chấm/chữa chi tiết 2 kỹ năng này cho từng học viên sẽ giải quyết được nhu cầu và kỳ vọng của học viên, giúp họ tiến bộ một cách nhanh nhất.

3. Phương pháp giữ vững kỷ luật lớp 

3.1. Điểm danh

Giảng viên nên tiến hành Điểm danh cho học viên khoảng 30 phút sau khi bắt đầu học hoặc vào giờ nghỉ của lớp nếu có. Việc điểm danh nên được thực hiện một cách có hệ thống, qua bảng tổng hợp để giảng viên tiện theo dõi tình hình đi học của cả lớp cũng như của từng cá nhân. Ở khía cạnh học viên, việc giảng viên điểm danh đều sẽ thể hiện cho học viên thấy giảng viên quan tâm đến học viên có đi học hay không. 

Minh hoạ sử dụng phiếu điểm danh để theo dõi kỉ luật lớp

Những buổi học đầu tiên, việc được giảng viên gọi tên tại một lớp học đông là một cách tác động tâm lý tốt, cho học viên thấy rằng mình được nhớ đến, được chú ý đến. Với giảng viên, việc gọi tên điểm danh trong những buổi đầu sẽ giúp nhớ tên học viên nhanh hơn, có nhiều ấn tượng hơn về từng học viên, giúp việc quản lý lớp học sau này tốt hơn. Việc nhớ tên học viên là một bằng chứng rõ ràng nhất về việc giảng viên quan tâm đến cá nhân học viên ở một lớp học đông, là một cách nhẹ nhàng/trực tiếp nhất để giúp học viên hiểu được giáo viên quan tâm đến cá nhân học viên trong lớp. Giảng viên lúc điểm danh có thể liên hệ tên học viên với ngoại hình, khuôn mặt hay vị trí chỗ ngồi – giúp nhớ tên nhanh hơn. Về lâu dài, trong lúc điểm danh giáo viên cũng sẽ dễ theo dõi được học viên nào đang nghỉ 2-3 buổi liên tục để có thể nhắc nhở các trường hợp nghỉ học nhiều.

3.2. Đi muộn

Ngoài việc điểm danh đầu giờ, giảng viên cũng cần nhắc nhở học viên về việc tham gia học đúng giờ. Việc bắt đầu giờ học đúng như thời gian quy định của buổi học là rất quan trọng, nếu giảng viên cứ chờ cho học viên đến đủ mới bắt đầu lớp, điều này sẽ tạo thói quen đến muộn cho học viên, ỷ lại vào việc giảng viên đợi mình. Vì vậy, giảng viên luôn cần bắt đầu giảng dạy đúng giờ học, vừa tránh được việc phải dạy quá giờ do học viên đến muộn, vừa tạo được thói quen tốt cho học viên. Học viên sẽ tự nhận thấy rằng đến muộn đồng nghĩa với việc bị bỏ lỡ những kiến thức quan trọng đầu buổi và có ý thức đến đúng giờ hơn. 

Để tạo động lực cho học viên tham gia học đúng giờ, giảng viên cũng có thể cân nhắc sử dụng linh hoạt những hoạt động warm up đầu giờ, chẳng hạn như chơi trò chơi ôn tập lại kiến thức cũ đã học, chữa bài tập về nhà buổi trước hay cho thảo luận về nội dung học hôm nay. Các học viên vào muộn sẽ thấy được hậu quả của việc đến muộn là mình bị lỡ mất hay không theo kịp phần hoạt động đó, và rút kinh nghiệm trong các buổi sau. 

Minh hoạ về warm up game đầu giờ

Ngoài ra, giảng viên cũng nên nhắc nhở đối với các trường hợp đi học muộn. Nếu ít xảy ra, giảng viên có thể nhẹ nhàng hỏi lý do cũng như nhắc lại về quy định giờ học của lớp. Nếu học viên thường xuyên đi học muộn mà không có lý do chính đáng, giảng viên có thể cân nhắc áp dụng những biện pháp nghiêm khắc hơn, như không áp dụng điểm danh cho buổi học đó. 

Với những trường hợp học viên là người đi làm, hay lịch học ở trường bận rộn, giảng viên nên xác định rõ từ những buổi học đầu tiên về tầm quan trọng của việc đi học đúng giờ, và yêu cầu các học viên đó sắp xếp thời gian để tham gia học, tránh việc đi học muộn, học viên đến lớp vào nhiều mốc thời điểm khác nhau của buổi học – ảnh hưởng đến mạch học tập trung của cả lớp cũng như việc giảng dạy của giảng viên khi bị ngắt quãng, phải đợi học viên đó ổn định chỗ ngồi hay học viên đi muộn bị lỡ kiến thức, không hiểu bài lại cần hỏi lại.

3.3. Nghỉ học

Việc giảng viên sát sao quan tâm đến việc học viên nghỉ học cũng thể hiện được sự quan tâm đến từng cá nhân, khiến cho ngay cả những học viên lười cũng có động lực đi học đầy đủ hơn. Giảng viên nên cố gắng duy trì kỉ luật như vậy xuyên suốt cả khoá học, chú ý đến lý do mà học viên đưa ra khi nghỉ học, tránh việc học viên nghĩ là nghỉ học chỉ cần báo một câu là xong – không có trách nhiệm với khoá học. Chẳng hạn như khi học viên xin nghỉ, thay vì hỏi lí do rồi cho qua, đồng ý cho nghỉ, giảng viên nên dành thêm chút thời gian nhắc nhở học viên nghiên cứu tài liệu của buổi học đó cũng như đảm bảo hoàn thành đầy đủ bài tập về nhà, đảm bảo buổi học tiếp theo vẫn theo kịp tiến độ lớp. Ngoài ra, giảng viên cũng lưu ý luôn cần biết rõ lý do học viên nghỉ học, chỉ chấp nhận những lý do chính đáng và có cách xử lý phù hợp với những học viên ‘lấy cớ’ để nghỉ học.

Lí do nghỉCách xử lý và Mục đích
Nhà có việc, em bận – Những lí do mơ hồHỏi rõ lí do – “Em bận việc gì thế, nếu là bận việc trên trường cho cô/thầy xin lịch học nhé!”Nếu diễn ra thường xuyên giảng viên có thể áp dụng những biện pháp nghiêm khắc, kết hợp giữa phạt (không điểm danh) và nhắc nhở (nghỉ học nhiều sẽ không hiệu quả, không theo kịp).Điều này thể hiện sự quan tâm đến từng học viên cũng như chấn chỉnh lại kỷ luật của những học viên có thái độ chưa tốt, thể hiện sự nghiêm túc đối với việc giảng dạy và trách nhiệm đối với sự tiến bộ của học viên
Em sắp thi nên em ở nhà ôn thiGiảng viên nên xác định từ đầu khoá rằng học viên cần biết sắp xếp thời gian để học thêm khoá học này cũng như học trên trường, một khi đã đăng ký học thì cần có trách nhiệm với khoá học đó. Tránh tình trạng cứ ở lớp có thi, kiểm tra là học viên lại nghỉ – không đảm bảo được chất lượng học. Giảng viên có thể áp dụng một số cách nhắc nhở nhẹ nhàng như việc hỏi học viên ‘Lịch thi em biết trước lâu chưa? Sao trước không ôn mà đến bây giờ – sát buổi thi mới ôn?’ hoặc phê bình nghiêm khắc hơn ‘Việc ôn thi sát giờ như vậy sẽ không hiệu quả, học là cả một quá trình, em nên ôn dần từ trong năm cũng như từ lúc có lịch thi, phân chia thời gian cho hợp lý. Em nghỉ buổi học này vừa lỡ mất kiến thức mà cũng chưa chắc đảm bảo ngày mai em thi tốt. Thầy/cô không chấp nhận lý do nghỉ như vậy em nhé!
Đi làmVới trường hợp học viên đã đi làm, hay xin nghỉ vì lý do công việc, giảng viên có thể nhắc nhở học viên về trách nhiệm của họ đối với khoá học cũng như kết quả khả quan họ có thể đạt được nếu tham gia học đầy đủ. Học viên đi học, đặc biệt là những người đã đi làm, luôn có 1 mục tiêu cụ thể trong đầu, giảng viên có thể động viên khéo léo rằng công sức họ bỏ ra sẽ là xứng đáng với kết quả đạt được, cho học viên thấy 1 tương lai/viễn cảnh sáng lạn về công sức của họ sẽ dấn đến kết quả gì, tạo động lực cho họ đi học đầy đủ.
Em mệt quá không học đượcĐây là một lý do khá phổ biến và cũng khá khó kiểm chứng. Với những học viên nghỉ ốm, giảng viên trước hết nên hỏi han, quan tâm về tình trạng sức khoẻ của học viên, nhẹ nhàng nhắc học viên nghỉ ngơi thật tốt rồi hoàn thành bài tập, xem lại kiến thức sau. Sau khi buổi học kết thúc và trước buổi học tiếp theo, giảng viên có thể liên hệ lại với học viên đó, hỏi thăm tình hình sức khoẻ, đã đủ để quay lại học chưa, lúc xem lại kiến thức, làm bài tập có gì khó khăn, cần được hỗ trợ không.Cách làm này vừa thể hiện được giảng viên quan tâm đến học viên, vừa khéo léo nhắc nhở rằng học viên dù nghỉ vẫn cần có trách nhiệm làm bài tập và xem lại kiến thức. Những học viên lấy ‘ốm’ làm cớ, khi gặp giảng viên sát sao, sẽ khó xin nghỉ ốm nhiều lần.
Nghỉ vì đã báo cho trung tâm/trợ giảng/lớp trưởngĐôi khi sẽ xuất hiện trường hợp học viên nghỉ học mà không thông báo trực tiếp cho giảng viên, đến khi giảng viết biết thì học viên đã xin nghỉ xong rồi. Điều này rất có thể sẽ ảnh hưởng đến kỷ luật của lớp, học viên mang tâm thế chỉ cần báo cho trung tâm/trợ giảng/lớp trưởng là sẽ được nghỉ – không có trách nhiệm trong việc học, dần dà dẫn đến tỷ lệ đi học thấp, không đều.Giảng viên nên yêu cầu học viên xin phép mình trực tiếp nếu muốn nghỉ học – học viên sẽ ngại hơn khi phải làm như vậy. Ngoài ra, khi học viên báo, giảng viên còn cần (1) hỏi lý do nghỉ – xem lý do chính đáng hay không (2) dặn dò học viên đọc/ôn lý thuyết và làm BTVN để theo kịp lớp (3) dặn dò buổi sau đi học.

3.4. Bài tập về nhà

Trước hết, giảng viên cần đảm bảo học viên đều làm bài tập đầy đủ. Chẳng hạn như với hình thức học trên Google Classroom, một số học viên có thể đối phó nộp bài trắng nhưng hệ thống vẫn ghi nhận là đã nộp bài, nếu giảng viên không vào xem bài của từng học viên sẽ không biết được là học viên không làm bài. Như vậy, học viên sẽ thấy mình không làm bài thầy/cô cũng không biết, chểnh mảng trong việc làm bài về nhà. Giảng viên cần kiểm tra kỹ tình trạng làm bài của học viên để kịp thời nhắc nhở học viên tự luyện tập một cách đầy đủ.

Với các học với các trường hợp không làm BTVN một buổi học, giảng viên có thể nhắc nhở nhẹ nhàng và yêu cầu hoàn thành sau. Với các học viên nghỉ học/ không làm BTVN hai đến ba buổi liên tục, cần phải nói chuyện với học viên đó – vì nếu đã nghỉ học/không làm BTVN liên tục trong nhiều buổi thì khả năng bỏ lâu dài sẽ rất cao.

Giảng viên cũng có thể đưa ra quy định phạt tiền cho các lỗi vi phạm, tiêu biểu là việc không hoàn thành bài tập. Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức tốt với tác dụng ngắn hạn. Bản thân việc nộp phạt đứng riêng sẽ đóng vai trò đòn bảy lúc đầu nhưng sẽ không có tác dụng nếu không ứng dụng kèm các biện pháp khác (nhắc nhở, trao đổi thêm, tạo động lực cho học viên – gợi nhớ về mục tiêu tham gia khoá học).

3.5. Học viên ‘cá biệt’

Trong quá trình giảng dạy, rất có thể giảng viên sẽ bắt gặp những trường hợp ‘cá biệt’ – không tuân thủ quy định lớp, gây khó dễ cho việc đảm bảo kỷ luật chung của lớp. Khi giải quyết những học viên như vậy, giảng viên luôn cần lưu ý gIữ phong thái chuyên nghiệp và bình tĩnh – tránh đôi co hay chấp nhặt  học viên.

Về lâu dài, giảng viên cần tạo sự tin tưởng và khâm phục của học viên về kiến thức cũng như phương pháp giảng dạy, khiến học viên đó chủ động muốn được giảng viên chỉ bảo, muốn học tập. Hơn nữa, để giải quyết mấu chốt vấn đề này, giảng viên vẫn cần tạo tinh thần/xác định văn hóa chung cho lớp. Khi cả lớp đã hiểu đó là văn hóa chung, mình bắt buộc phải tuân theo, thì những học viên này cũng sẽ làm như vậy, theo số đông.

4. Phương pháp truyền tải kiến thức

4.1. Trước buổi dạy

Để việc truyền tải kiến thức theo hướng cá nhân hoá, trước hết giảng viên cần tÌm hiểu kĩ nội dung kiến thức, lên kế hoạch giảng dạy chi tiết cho từng phần.

Đầu tiên, giảng viên cần nghiên cứu kĩ nội dung từng bài. Lưu ý, việc nghiên cứu để giảng dạy khác nghiên cứu để học. Để giảng dạy, giảng viên phải thực sự hiểu sâu bản chất vấn đề, có khả năng chia kiến thức thành các phần nhỏ, phù hợp với năng lực trình độ của từng nhóm học viên. Có nhiều phần lý thuyết mà để giảng viên hiểu thì hoàn không khó, nhưng để dạy cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng – vì khoảng cách giữa học viên và giảng viên có thể khá xa, người dạy cần thật sự hình dung vấn đề từ góc nhìn của người học, hình dung cách diễn giải lý thuyêt/minh họa của mình với từng phần trước buổi học sao cho phù hợp, dễ hiểu và đơn giản nhất.

Tiếp đó, giảng viên nên chú trọng vào các điểm học viên dễ nhầm lẫn hay những phần cần đặc biệt chú ý trong bài học. Điều này giúp tạo điểm nhấn cho bài giảng cũng như giá trị thực tiễn cho học viên, giúp bài học không bị dàn trải – học viên dễ cô đọng kiến thức và nhận biết cũng như sửa được lỗi sai. Ngoài ra, giảng viên cũng dự đoán trước những câu hỏi học viên có thể sẽ thắc mắc, liên quan đến bài học và tìm cách giải đáp các thắc mắc này.

Tốc độ giảng dạy của giảng viên cũng là một yếu tố rất quan trọng. Giảng viên cần đảm bảo cân đối thời gian cho các phần của bài học sao cho đảm bảo học viên hiểu kiến thức trước khi chuyển sang phần tiếp. Giảng viên nên chuẩn bị khung thời gian cho từng phần nhỏ một cách chi tiết cũng như chia bài học ra thành những phần bắt buộc và tự chọn, với phần bắt buộc là những kiến thức cần phải có trong bài, học viên cần được giảng trên lớp; và phần tự chọn có thể bao gồm các hoạt động luyện tập hay vui chơi giải trí. Việc làm kế hoạch giảng dạy và phân chia thời gian kĩ sẽ tốn thời gian cho 1-2 khóa đầu, nhưng với các khóa về sau giảng viên sẽ chỉ cần xem và chỉnh sửa lại cho phù hợp với từng đối tượng lớp – tạo sự cá nhân hoá. Về lâu dài, nó sẽ khiến buổi học chất lượng hơn nhiều so với việc không chuẩn bị bài kỹ, dẫn đến không lường trước được các tình huống có thể phát sinh – hay bài giảng bị dàn trải, không có trọng tâm, học viên học xong không đọng lại được những kiến thức quan trọng.

Với khối lượng kiến thức lớn như các khoá học IELTS, việc lên khung thời gian cụ thể từng phần rất quan trọng. Bởi khi giảng viên giảng dạy, đôi khi dễ có xu hướng cuốn vào một phần nhiều hơn các phần còn lại, dẫn đến kết quả cháy giáo án tại cuối buổi học. Việc phân chia thời gian chi tiết cho buổi học và bám sát theo khung thời gian này sẽ giúp cho học viên không bị quá vội với bất cứ phần nào; và đảm bảo truyền tải kiến thức đều các phần đến với học viên.

Nếu giảng dạy theo giáo trình có sẵn, giảng viên có thể nghĩ đến việc làm sao để khiến cho nội dung trong giáo trình không quá khô khan mà gần gũi, mang tính cá nhân hơn.

Ví dụ:

Nội dung bài học: Từ vựng miêu tả bản đồ/vị trí
Nội dung trong giáo trình: Các ngôn ngữ xuất hiện trong bài nghe dạng bản đồ – có thể hữu ích trong Writing Task 1 dạng bản đồ
Nội dung mở rộng: Giảng viên sử dụng bản đồ của một địa điểm quen thuộc với học viên và yêu cầu học viên áp dụng phần kiến thức vừa học. Chẳng hạn, giảng viên đem đến một tấm bản đồ lớn, minh hoạ vị trí lớp học – các học viên lần lượt lên bảng và đưa ra các hướng đi đến vị trí đó từ nhiều tuyến phố khác nhau, hoặc lớp học đó gần các địa điểm nào – vị trí trước, sau, đối diện, ngay cạnh các địa điểm nào.Chẳng hạn như với Izone Cơ sở 1 tại Hoàng cầu, học viên có thể miêu tả đường đi từ phố Hoàng Cầu hay từ các ngõ nhỏ, hoặc trung tâm có vị trí ra sao so với quán cà phê Aha ngân hàng TP Bank.

Đôi khi trong các buổi học, giảng viên có thể sẽ quá tập trung vào việc luyện tập, học hỏi kiến thức mà quên mất rằng mục đích của ngôn ngữ là để giao tiếp, để gắn ngôn ngữ với những trải nghiệm cá nhân. Nói cách khác, một lớp học ngôn ngữ không chỉ là về việc sử dụng đúng ngôn ngữ đó, mà còn về sự kết nối. Giảng viên khi xây dựng bài giảng, nên dành đôi chút thời gian trống, cho phép học viên tự tìm sự liên kết với những gì đã học.

4.2. Trong buổi học

4.2.1. Dẫn vào bài học

Giảng viên có thể cân nhắc áp dụng đa dạng các hoạt động dẫn dắt học viên, khiến họ tự khám phá kiến thức thay vì cung cấp thẳng câu trả lời. Phương pháp này tận dụng tối đa việc khiến học viên dành nhiều suy nghĩ trước cho một vấn đề, trước khi cung cấp thẳng đáp án cho học viên. Nếu học viên tự giải quyết được vấn đề đó thì khả năng học viên nhớ vấn đề đó sẽ lâu hơn rất nhiều so với việc được giảng viên cung cấp đáp án và học viên chỉ phải học thuộc.

Trong lúc soạn bài, giảng viên có thể nhận biết các phần kiến thức mang tính học thuật cao như Grammar hay Writing và chuẩn bị các câu hỏi, hoạt động dẫn dắt cho phần này để đưa học viên vào bài học một cách thú vị và hiệu quả hơn. Đó có thể chỉ là các câu hỏi đơn giản để tăng mức độ tham gia của học viên vào bài giảng, khiến học viên nhập cuộc nhanh hơn, hoặc những câu hỏi khó hay những hoạt động mất nhiều thời gian, tuỳ vào trình độ của học viên cũng như khung thời gian cho phép. Các hoạt động dẫn dắt thường sẽ có tính thú vị cao hơn, tuy nhiên cũng tốn thời gian hơn, chỉ phù hợp khi khối lượng kiến thức phải truyền tải trong buổi học không quá nhiều.

Ví dụ:

Bài học: Thì hiện tại hoàn thành và hiện tại hoàn thành tiếp diễn
Bà mẹ sẽ hỏi câu nào với từng trường hợp(1) What have you done?(2) What have you been doing?
4.2.2. “Ngấm” kiến thức

Song song với việc giảng viên giảng bài – học sinh nghe – luyện tập, đôi khi, giảng viên cũng cần cho học viên thời gian để kịp ngẫm lại những gì mình vừa được học. Đây sẽ là ‘khoảng lặng’ cần thiết, giúp học viên tập trung suy nghĩ. Không phải lúc nào lớp học cũng cần phải sôi nổi hay liên tục có người phát biểu. Hơn nữa, việc liên tục duy trì giọng nói to và rõ ràng, một điều rất quan trọng để giữ được sự tập trung của học viên, đôi khi cũng khiến giảng viên cảm thấy mệt khi kéo dài liên tục trong suốt buổi học từ 2-3 tiếng. Tương tự, học viên ngồi nghe giảng viên thao thao bất tuyệt liên tục cũng khá nhàm chán.

Sau khi học viên có vài phút ngẫm lại kiến thức, giảng viên có thể đặt ra các câu hỏi tóm gọn nhanh phần lý thuyết vừa học, đảm bảo học viên hiểu trước khi chuyển sang phần khác.

Ngoài ra, giảng viên cũng nên đặt câu hỏi khi học viên có dấu hiệu mệt mỏi hay mất tập trung sau các đoạn bài giảng dài, nhằm lấy lại sự tập trung của học viên. Và với một số học viên làm việc riêng trong lớp, các câu hỏi kiểm tra lại kiến thức cũng giúp họ quay trở lại bài học, chấn chỉnh và ngầm nhắc nhở lại kỷ luật.

Một phương pháp hữu ích mà giảng viên có thể áp dụng nhằm khiến học viên suy nghĩ sâu hơn về vấn đề, hỗ trợ việc ngấm kiến thức của học viên chính là đưa các câu hỏi khiến học viên suy nghĩ, đặc biệt là xem xét lại những quan điểm sẵn có của mình. Phương pháp này đặc biệt cần thiết khi có sử dụng phương pháp học tập, kiến thức mới – có thể trái với suy nghĩ, quan điểm trước đó của học viên.

Ví dụ:

Bài học: Mệnh đề quan hệ
Yêu cầu: Ông Tom kể với bạn mình  về đứa con gái sắp lấy chồng. Câu nào là đúng trong 2 câu sau đây:(1) “My daughter, who is about to get married, is booking a venue for the wedding ceremony (2) My daughter who is about to get married is booking a venue for the wedding ceremony 
Giảng viên cho học viên thời gian suy nghĩ, hỏi một vài bạn với những ý kiến trái chiều đưa ra quan điểm và giải thích, bảo vệ cho quan điểm đó. Sau đó, giảng viên đưa ra đáp án đúng và giảng giải về lý thuyết của bài học đã được áp dụng ra sao trong ví dụ

VD 2 

Bài học: IELTS Writing
Trước buổi học, giảng viên phát cho học viên 2 bài mẫu do học sinh viết. Trong đó, 1 bài tập trung vào mặt từ vựng – có sự xuất hiện của nhiều từ vựng lạ, hay; nhưng ý bị trùng và cách lập luận, triển khai ý không rõ ràng và không có sự gắn kết tốt. Bài còn lại từ vựng ở mức ổn, nhưng sử dụng đúng; các lập luận chặt chẽ và kết nối tốt. 
Khi lên lớp, giảng viên yêu cầu học viên đánh giá xem bài nào liệu sẽ được điểm cao hơn. Điều này thách thức quan điểm của một số học viên về việc nhồi từ trong bài. 

Các câu hỏi để kiểm tra mức độ hiểu của học viên có tác dụng, nhưng sẽ tốt hơn nếu thỉnh thoảng giảng viên có thể luân phiên một số hình thức khác như thảo luận nhóm hay các hoạt động học tập. Tuy nhiên, để việc thực hiện hoạt động trên lớp được hiệu quả, giảng viên nên có sự chuẩn bị kỹ về mặt nội dung cũng như khung thời gian cho phép cho từng hoạt động, tránh ảnh hưởng đến phần còn lại của cả bài, hay dẫn đến việc hoạt động không phục vụ đúng mục đích như đã đề ra.

4.2.3. Tương tác

Sẽ có những phần kiến thức khá nặng, việc tổ chức hoạt động sẽ tốn nhiều thời gian của lớp và không đảm bảo truyền đạt đủ nội dung bài học. Với phần này, giảng viên vẫn sẽ tập trung giảng lý thuyết. Tuy nhiên, trong lúc giảng dạy, giảng viên nên tránh việc nói quá nhiều thông tin một lúc mà thay vào đó, nên vừa giảng dạy vừa đặt những câu hỏi cho học viên để đảm bảo. Việc giữ tương tác đều từ 2 chiều cho lớp là rất quan trọng. Với các phần lý thuyết dài/khó, nếu giảng viên giảng lâu thì học viên sẽ khó duy trì được sự tập trung. 

Trong quá trình giảng dạy, cá nhân hoá hướng đến việc mỗi một học sinh đều được chú ý, đều có sự tương tác mang tính cá nhân với giảng viên. Để làm được điều này, giảng viên cần chia đều sự chú ý cho học viên, không chỉ tập trung vào một vài học viên giỏi. Mỗi học viên đều nêu được gọi ít nhất một lần trong lớp, có thể chỉ đơn giản hỏi học viên kiểm tra nghĩa hoặc phát âm một từ nhất định – những câu hỏi mà bất kì đối tượng học viên nào cũng có thể trả lời được. Tất nhiên, giảng viên vẫn có thể tập trung hơn một chút vào các học viên thái độ học tốt – cho các bạn học viên đó thêm cơ hội để thể hiện bản thân, nhưng điều này không có nghĩa là giảng viên bỏ rơi các học viên khác.

Việc được giảng viên gọi/hướng sự chú ý cá nhân đến mình rất quan trọng đối với học viên. Trong lớp thường sẽ có những bạn rất hăng hái, tích cực tham gia vào các hoạt động trên lớp, tích cực tương tác với giảng viên. Ngược lại, cũng sẽ có những bạn học viên trầm hơn, chỉ quan sát chứ không hay phát biểu. Những bạn học viên này, nếu giảng viên không chủ động hỏi, không cho các bạn được tương tác, thì rất có thể học viên sẽ cảm thấy mình bị lãng quên, thầy/cô chỉ chú ý đến những bạn giỏi, nổi bật. Điều này về lâu dài sẽ khiến các bạn không muốn cố gắng, vì có suy nghĩ rằng mình có làm gì cũng không được giảng viên biết tới.

Tương tự, giảng viên cũng cần đưa ánh mắt nhìn quanh và bao quát lớp – không quá tập trung vào một góc lớp, đảm bảo có giao tiếp bằng mắt với tất cả học viên. Nếu có học viên nào đang làm việc riêng hay mất tập trung, giảng viên có thể kịp thời nhắc nhở, đưa học viên đó trở lại với bài học. Như vậy, học viên sẽ cảm thấy được chú ý, thấy rằng mình làm gì giảng viên cũng biết, và tập trung tốt hơn, tham gia nhiều hơn vào bài học. Với những lớp đông, khó bao quát được hết, giảng viên vẫn nên cố gắng hỏi học viên mỗi người một lần. Có thể bằng những câu hỏi ngắn – nhanh, hoặc đưa ra những câu hỏi dạng trắc nghiệm và yêu cầu học viên chọn đáp án đúng dưới dạng poll.

Ví dụ:

Nội dung bài học: Động từ khuyết thiếu chỉ sự suy đoán
Yêu cầu: Chọn một câu cùng nghĩa với đề bàiIt’s possible that Jane didn’t hear the alarm.She couldn’t have heard the alarmShe might not have heard the alarm
Giảng viên sẽ hỏi xem bao nhiêu học viên chọn đáp án A và bao nhiêu chọn đáp án B – yêu cầu tất cả học viên đều tham gia vào câu hỏi, hắc tên những bạn chưa đưa ra câu trả lời.

Hoặc trong một số trường hợp khác, giảng viên có thể hướng đến những câu hỏi không có đáp án cụ thể chính xác, mà mỗi học viên sẽ tự do sáng tạo riêng.

Nội dung bài học: Thì tương lai tiếp diễn
Yêu cầu: Tự đặt một câu sử dụng thì tương lai tiếp diễn với một trong những mốc thời gian dưới đâyIn five years’ timeAt 6 AM tomorrowThis time next year
Giảng viên có thể yêu cầu mỗi một học viên sẽ viết câu của mình vào một mẩu giấy rồi sau đó thu thập đáp án của học viên và đọc, chữa những lỗi chung – đưa ra lời khen với những bạn học viên không mắc lỗi sai.

Học viên cần cảm thấy giáo viên công bằng, quan tâm đều, không thiên vị với bất kỳ ai, từ đó nỗ lực và tập trung học hơn.

Giảng viên cũng nên xác định xem, đâu là hoạt động cá nhân hoá hướng đến mục đích sử dụng ngôn ngữ (áp dụng từ vựng được cho, sử dụng cấu trúc ngữ pháp của bài) và đâu là hoạt động thiên về sự kết nối của bản thân học viên đối với kiến thức. Hay nói cách khác, giảng viên có thể chọn tập trung vào tính chính xác hoặc tính chân thực.

4.3. Liên hệ điểm số

Kết quả học tập và sự tiến bộ của học viên, thể hiện khách quan nhất qua điểm số. Khi thu thập dữ liệu về bài tập hay những bài đánh giá năng lực của học viên, giảng viên nên thường xuyên chia sẻ với học viên về những gì mình thu được, và yêu cầu học viên quyết định xem mình nên làm gì tiếp theo, khi đã biết được những thông tin đó. Học viên cần chủ động nhìn nhận xem với kết quả hiện tại, họ cần học thêm, cải thiện thêm những gì, có kỹ năng nào cần yếu, liệu bản thân đã đủ khả năng học tiếp trình độ cao hơn chưa hay cần thêm thời gian tự ôn luyện.

Khi chia sẻ kết quả bài kiểm tra, giảng viên chia thành từng phẩn nhỏ, vì với mỗi phần, mỗi điểm số đều có ý nghĩa riêng. Khi đó, mỗi học viên sẽ có chiến lược học tập riêng dành cho từng phần. 

Minh hoạ điểm thành phần Khoá 4-5 tại Izone

Ví dụ như ở Khoá 4-5 của Izone, bài Test có các phần Listening; Grammar, Speaking, Academic Vocab. Trong đó, phần Academic Vocab chiếm 30 điểm. Khi chữa và thông báo kết quả bài kiểm tra, giảng viên có thể đưa ra phương hướng luyện tập dành riêng cho phần vocab như sau:

Các bạn được từ 25 đến 30 điểm phần Academic Vocab đã có độ hiểu từ vựng tốt, nhưng không đc chủ quan. Việc làm bài tập và việc ứng dụng được từ là 2 câu chuyện khác nhau, vẫn cần ôn tập và xem lại kỹ kết quả, xem còn từ nào mình chưa hiểu kỹ hay làm sai, có từ nào mình loại trừ, làm bừa nên ra đáp án đúng.
Đối với các bạn đúng từ 18 đến 25 câu, cần xem lại Academic Vocab của cả 3 bài vừa rồi cũng như tập trung vào những câu làm sai trong bài Test. Trong thời gian tới chú ý hơn về việc học Academic Vocab.
Đối với các bạn có số câu đúng dưới 15 câu, phần từ vựng còn chưa được tốt, cần làm thêm các bài tập ứng dụng từ vựng/làm lại các bài tập đặt câu của những buổi học trước.

Ngoài ra, về lâu dài, qua các bài kiểm tra, giảng viên cũng có thể so sánh kết quả trước và sau của học viên, có thể là tổng điểm bài kiểm tra nói chung hoặc sự tiến bộ trong từng phần nói riêng. Việc giảng viên liên hệ kết quả học tập với điểm số bài kiểm tra như vậy sẽ (i) học viên tiến bộ cảm thấy học tập rất hiệu quả, (ii) học viên chậm cảm thấy có con đường đi rõ ràng để tiến bộ về sau.

Không chỉ sau các bài kiểm tra, mà xuyên suốt quá trình học, giảng viên luôn cần chú ý đến sự tiến bộ của học viên trong lớp học, tích cực đặt câu hỏi và tương tác với học viên. Khi chữa bài tập của học viên, giảng viên nên để ý xem học viên có tiến bộ với phần nào. Với các phần tiến bộ, cần phải ghi nhận ngay. Với các điểm yếu của học viên, cần nhắc lại nhiều lần để tăng nhận thức của học viên về những vấn đề này. Lời khen/ghi nhận mỗi khi học viên tiến bộ hay giải quyết được vấn đề sẽ tạo động lực tích cực cho học viên, giúp học viên giữ được quyết tâm cố gắng học một cách dài hạn.

5. Phương pháp trả lời câu hỏi của học viên

Xuyên suốt quá trình giảng dạy, việc giảng viên đưa ra những câu hỏi và mong muốn có câu trả lời từ giảng viên là tình huống sẽ xảy ra khá thường xuyên. Thông thường, đó sẽ là những câu hỏi liên quan đến kiến thức buổi học – những vấn đề mà giảng viên có thể giải đáp ngay lập tức, giúp học viên hiểu bài kỹ hơn. Tuy nhiên, vẫn sẽ xuất hiện những trường hợp học viên đặt ra những câu hỏi khó. Khi ấy, giảng viên cần có cách xử trí khéo léo, phù hợp với từng tính huống.

5.1. Những câu hỏi khó

Với những câu hỏi khó, giảng viên nhầm lẫn dẫn đến trả lời sai, giảng viên nên thừa nhận lỗi sai này một cách vui vẻ nhẹ nhàng, không lấp liếm, chẳng hạn như bông đùa “Thầy/cô thử sai một chút xem mấy đứa có nhận ra không” hay “Nãy giờ dạy hết chất xám mất rồi nên giờ IQ suy giảm một chút, lớp thông cảm nhé”. Như vậy, giảng viên vẫn giữ được phong thái chuyên nghiệp, bình tĩnh. Để hạn chế tình huống này, giảng viên nên chuẩn bị thật kỹ trước bài học, và lường trước những câu hỏi mà học viên có thể hỏi, phát sinh từ bài học.

Hoặc với những câu hỏi mà giảng viên có thể không có đáp án ngay lập tức, hay tạm thời không nhớ ra, giảng viên tuyệt đối không trả lời bừa cho qua chuyện, dẫn đến việc học viên đánh giá rằng thầy/cô không đủ trình độ/năng lực. Giảng viên nên bảo học viên sẽ đưa ra câu trả lời sau buổi học (có thể đưa ra một số lý do phù hợp như: giờ lớp mình đang nhiều hoạt động, để tránh ảnh hưởng đến các bạn trên lớp thì phần này mình trao đổi riêng sau nhé; phần này thầy/cô đang chưa biết diễn đạt thế nào cho đơn giản nhất, buổi sau thầy/cô trả lời sau nha) hoặc ghi lại câu hỏi đó, khi cả lớp tham gia hoạt động/làm bài tập thì tìm kiếm câu trả lời.

5.2. Học viên hỏi quá nhiều

Sẽ có những trường hợp học viên hỏi quá thường xuyên trong lớp, có thể khiến bài giảng của giảng viên bị ngắt quãng, không liền mạch. Đầu tiên, giảng viên cần xét xem câu hỏi có liên quan trực tiếp đến nội dung bài học không. 

Nếu câu trả lời là không, nên giải thích cho học viên về thời lượng có hạn của lớp, cả lớp sẽ nên tập trung vào kiến thức cốt lõi, vì khối lượng kiến thức truyền tải mỗi buổi là rất lớn. Với các câu hỏi kiến thức ngoài lề như vậy, giảng viên có thể giải quyết ngoài phạm vi buổi học: khuyến khích học viên trao đổi trực tiếp qua Facebook, hoặc qua email đánh rõ số thứ tự câu hỏi và ngữ cảnh từng phần. 

Nếu câu hỏi liên quan trực tiếp đến bài học, giảng viên nên cố gắng giải quyết vấn đề triệt để cho học viên. Điều này có thể sẽ hơi mất thời gian, nhưng việc học viên hiểu là rất quan trọng. Như vậy, học viên sẽ thấy giảng viên tận tình, quan tâm đến câu hỏi của mình, điều này thúc đẩy lớp chủ động đặt ra câu hỏi, thắc mắc về những phần kiến thức mình chưa hiểu, giúp các bạn học tốt hơn.

5.3. Học viên chậm hỏi do không hiểu bài

Với học viên đuối, tốc độ hiểu bài chậm hơn các bạn khác và thường có thắc mắc về những phần kiến thức cơ bản, tuy giảng viên có thể tập trung hơn vào các học viên này trong lớp nhưng trong lúc giảng dạy, vẫn cần phải duy trì tiến độ với số đông. Học viên đó cũng cần phải hiểu rằng thầy/cô không thể dừng quá lâu vì 1 2 bạn được. Sau mỗi phần giảng kiến thức khó,  giảng viên nên trao đổi thêm với các học viên chậm hơn. Việc này có thể diễn ra trước hoặc sau buổi học, nhằm đảm bảo học viên nắm được trọng tâm chính của giáo trình.

Ngoài ra, giảng viên cũng có thể sử dụng thêm các bài tập bổ trợ bên ngoài và yêu cầu các học viên đuối hoàn thành. Mục đích chung của những biện pháp trên là giúp cải thiện sự cân bằng về trình độ trong lớp học, khiến học viên cảm nhận được sự tận tâm của giảng viên.

5.4. Những câu hỏi tế nhị

Đôi khi, giảng viên sẽ bắt gặp những câu hỏi tế nhị mà mình không muốn giải đáp. Nguyên tắc chung khi xử lý những câu hỏi như vậy là nhẹ nhàng và chừng mực. Chẳng hạn như với câu hỏi khá phổ biến “Thầy/cô được IELTS mấy chấm rồi ạ?”, giảng viên có thể nói rằng “Thầy/cô sẽ không trả lời câu hỏi này nhé, vì điểm cao không đồng nghĩa với việc là giảng viên tốt. Nhiêm vụ chính của giảng viên là giúp học viên tiến bộ, vì vậy câu hỏi của các bạn nên là: Học viên của thầy/cô thường được mấy chấm rồi ạ/tiến bộ ra sao ạ?“. Tương tự, những câu hỏi mà giảng viên muốn tránh như về tuổi tác hay đời sống cá nhân, giảng viên có thể giải thích nhẹ nhàng rằng “Thầy/cô sẽ chỉ trả lời những câu hỏi liên quan đến kiến thức thôi nhé, vì thầy/cô lên lớp là để truyền đạt kiến thức cho các bạn.”

5.5. Hỏi để thử thách giảng viên

Học viên ở trình độ cao hoặc đã học ở nhiều nơi có thể có xu hướng thích thử thách trình độ của giảng viên, đây là một điều bình thường – giảng viên không nên cảm thấy không được tôn trọng hay bận tâm quá nhiều. Đơn giản là học viên đó cần thấy được giảng viên thật sự giỏi để mình có thể yên tâm theo học. Để học viên có thể nghe mình, điều đầu tiên giảng viên cần làm là khiến học viên tin tưởng/khâm phục kiến thức của mình. Để làm được điều này, giảng viên cần chuẩn bị bài kĩ cũng như lường trước nhữngcâu hỏi để có thể xử lý tốt. Tuy nhiên, lúc giải thích cũng hạn chế không nên quá tập trung vào việc việc khoe kiến thức hay hạ bệ học viên, vẫn nên giữ thái độ điềm tĩnh và chuyên nghiệp. Học viên có thể có xu hướng bắt bẻ/tra từ điển để hỏi lại khi học. Lúc này giảng viên cần bình tĩnh trả lời câu hỏi và giải thích cho học viên hiểu rõ bản chất vấn đề. Nếu việc này diễn ra quá lâu, có thể hướng học viên lại bài học chính để tránh mất thời gian của lớp

6. Phương pháp giao tiếp với học sinh 

Việc giao tiếp, trao đổi thêm với học viên không phải là một phần bắt buộc của công việc giảng dạy, nhưng giảng viên vẫn nên dành thời gian thực hiện để có sự kết nối sâu sắc hơn với lớp học. Khi giảng viên trò chuyện với học viên trên một mức độ cá nhân, học viên có thể sẽ thấy gần gũi, có thêm thiện cảm với giảng viên. Từ góc độ giảng viên, điều này cũng sẽ giúp họ thoải mái/tăng hứng thú trong việc giảng dạy,  khiến cho một khóa học kéo dài từ 2-3 tháng không còn cảm giác nặng nề hay quá dài nữa do có sự thân thiết, gần gũi với học viên. Nhìn chung, việc này đem lại lợi ích rất rõ về mặt cá nhân hoá – học viên sẽ hiểu thêm hơn về thầy/cô của mình, có thể trở nên cởi mở hơn trong việc chia sẻ những khó khăn của bản thân, đặc biệt liên quan đến việc học.

Giảng viên có thể cùng lưu giữ những kỷ niệm vui vẻ với lớp để lớp gắn kết hơn

Mỗi giáo viên sẽ có 1 cách thực hiện khác nhau, không có công thức chung cho việc giao tiếp với học viên. Giảng viên cũng không cần phải cố gắng để diễn sao cho học viên quý mình, phải cố tỏ ra vui nhộn hài hước trong mọi trường hợp. Quan trọng là giảng viên cảm thấy thoải mái, được là chính mình và cởi mở, chia sẻ một chút với học viên. Thỉnh thoảng giảng viên có thể nói chuyện phiếm với học viên một chút trước giờ học, trong lúc đợi cả lớp đến đủ hoặc đợi vào giờ, hoặc chia sẻ một số câu chuyện cá nhân, chẳng hạn như hồi xưa thầy/cô đi học như thế nào, dạo này có chuyện gì vui vui – tạo bầu không khí thoải mái cho học viên khi đến lớp.

Ngoài ra, giảng viên cũng có thể thỉnh thoảng tổ chức một số các hoạt động vui chơi giải trí để tạo không khí cho lớp. Tuỳ vào tính cách bản thân cũng như của học viên, giảng viên có thể sử dụng đa dạng các phương pháp giao tiếp khác nhau. Ví dụ như với lớp học phần nhiều là các em học viên vẫn còn là học sinh cấp 2 – cấp 3, giảng viên có thể thỉnh thoảng bông đùa, tạo sự thoải mái cho lớp. Hoặc với lớp học trình độ cao, hoặc học viên là những người đi làm, giảng viên có thể chia sẻ thêm về quá trình học tập của mình hay những câu chuyện về sự tiến bộ của học viên cũ, tạo động lực cho học viên phấn đấu. Qua thời gian việc này sẽ tạo được thiện cảm và hứng thú với học viên.

Giảng viên có thể thỉnh thoảng thưởng trà sữa cho các lớp có học viên lứa tuổi học sinh sinh viên

Nếu học viên vừa tin tưởng vào khả năng giảng dạy cũng như trình độ của giảng viên, lại vừa có thiện cảm tốt, thì lớp học sẽ trở nên nhẹ nhàng – học viên sẽ đạt được sự tiến bộ, không khí và tinh thần tốt của lớp cũng sẽ được giữ vững trong suốt khoá học. 

Như vậy, việc cá nhân hoá trong giảng dạy đem lại rất nhiều lợi ích đối với cả giảng viên và học viên. Khi áp dụng phương pháp này, giảng viên sẽ hiểu rõ về học viên hơn đề có thể điều chỉnh bài giảng sao cho phù hợp với nhu cầu và năng lực, trình độ của từng đối tượng học viên. Học viên cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc học, có thể liên hệ bản thân nhiều hơn trong quá trình học, nêu lên quan điểm ý kiến của bản thân – có cách tiếp cận chủ động với quá trình học tập của mình. Cá nhân hoá được thể hiện qua nhiều hình thức, từ sự tương tác hai chiều trên lớp, đến những feedback chi tiết và định hướng học tập sau mỗi bài kiểm tra hay xuyên suốt quá trình học. Giảng viên cần áp dụng khéo léo những phương pháp cá nhân hoá riêng, sao cho bản thân lẫn học viên đều cảm thấy thoải mái trong những giờ học, khiến việc tiếp thu của học viên hiệu quả hơn, và giảng viên cũng đưa ra những định hướng chính xác và phù hợp hơn cho học viên của mình.