Bạn có phải là một giảng viên có kĩ năng giao tiếp hiệu quả?

You have brilliant ideas but if you can’t get them across, you ideas won’t get you anywhere.

  • Lee Lacocca

I. Kỹ năng giao tiếp hiệu quả là gì? 

Tác giả Peter Little, trong cuốn sách “Communication in Business”, xuất bản năm 1965, từng nói “Communication is a process by which information is transmitted between individuals and/or organizations so that an understanding response results”.

Hiểu một cách đơn giản, kỹ năng giao tiếp là kỹ năng trao đổi thông tin giữa hai hoặc nhiều bên, có thể qua lời nói hoặc ngôn ngữ cơ thể, nhằm đạt được một mục đích chung nhất định. 

Giao tiếp hiệu quả không chỉ là chỉ trao đổi thông tin qua lại. Một người có kỹ năng giao tiếp hiệu quả sẽ hiểu được những cảm xúc, quan điểm, dự định đằng sau thông tin được đưa ra từ phía đối phương, cũng như biết cách khiến người khác cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu.

Nếu không, rất dễ xảy ra tình huống các bên không hiểu rõ ý của nhau, hiểu nhầm, hay mình nói một đằng người kia lại hiểu một nẻo, có thể dẫn đến bất đồng quan điểm hoặc tệ hơn là mâu thuẫn giữa các bên. Để tránh được điều này, chúng ta cần phải học được các kỹ năng giúp mình làm chủ giao tiếp để giao tiếp hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ nói về kỹ năng giao tiếp dành cho giảng viên, giúp việc trao đổi thông tin với học viên trở nên hiệu quả,, giúp xây dựng sự tôn trọng và lòng tin từ cả hai phía, từ đó đem lại lợi ích cho quá trình giảng dạy và học tập.

II. Tại sao bạn chưa giao tiếp hiệu quả?

1. Một số hiểu nhầm về giao tiếp

Giao tiếp là một hoạt động diễn ra hàng ngày, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Dưới đây là một số hiểu nhầm phổ biến có thể cản trở bạn phát triển kỹ năng giao tiếp hiệu quả.

  • Nhầm tưởng: Giao tiếp là một hoạt động có ý thức, tự chủ
  • Thực tế: Giao tiếp là một quá trình vô thức, xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc sống

Trong lớp học, giao tiếp giữa giảng viên với học viên không nhất thiết phải là học viên chủ động tìm giảng viên để giải đáp những thắc mắc liên quan đến bài học, hay giảng viên giảng bài, mà giao tiếp còn bao gồm những câu chuyện nhỏ nằm ngoài phạm vi lớp học, những trao đổi về cuộc sống cá nhân giữa hai bên, nhằm mục đích giao lưu, khiến cho lớp học thoải mái hơn.

  • Nhầm tưởng: Ngôn từ là công cụ giao tiếp duy nhất
  • Thực tế: Quá trình giao tiếp bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các hành vi phi ngôn ngữ

“Action speaks louder than words.”

Như đã nói, ngôn từ không phải công cụ giao tiếp duy nhất. Trong lớp học, cái gật đầu của giảng viên biểu thị học viên đã có câu trả lời đúng, hay học viên gật gù cũng nói lên rằng mình đã hiểu bài. Có rất nhiều hành vi phi ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình giao tiếp giữa hai bên, và nếu giảng viên chỉ nói suông mà không nắm bắt tốt những hành vi này, kỹ năng giao tiếp của họ rất khó đạt được hiệu quả như mong muốn.

  • Nhầm tưởng: Giao tiếp trong lớp học chủ yếu phụ thuộc vào giảng viên, do giảng viên kiểm soát
  • Thực tế: Giao tiếp là quá trình hai chiều từ cả phía giảng viên lẫn học viên, không ai có quyền kiểm soát.

Có thể dễ dàng nhận thấy, trong buổi học giảng viên không nhất thiết phải là người duy nhất nói, sẽ có những lúc học viên mới là người trình bày quan điểm, và giảng viên là người lắng nghe. Tuy vậy, giảng viên có thể góp phần làm chậm hoặc đẩy nhanh tốc độ của những cuộc hội thoại này, hướng học viên đến những nội dung quan trọng hơn.

  • Nhầm tưởng: Mỗi thông điệp chỉ có một cách hiểu
  • Thực tế: Mỗi học viên đều có thể có cách hiểu riêng của mình

Điều này có thể xuất phát từ những kiến thức hoặc phong cách giảng dạy mà học viên đã được tiếp xúc trước đó hoặc tại trường lớp. Khi giảng dạy kiến thức, giảng viên nên đảm bảo rằng những gì mình nói ra đều có thể được hiểu bởi tất cả các học viên, cũng như chú ý hơn đến những học viên thường gặp khó khăn. 

Một vấn đề khác của việc này là khi giảng viên đưa ra nhận xét chi tiết, học viên có thể hiểu thông điệp đó theo nhiều cách khác nhau, có học viên sẽ cảm thấy giảng viên thật cẩn thận, kiểm tra bài kỹ lưỡng, có học viên lại cảm thấy giảng viên đang bới lông tìm vết cố gắng bắt lỗi mình. Việc đảm bảo học viên hiểu rõ những gì mình muốn truyền tải rất quan trọng trong việc xây dựng một mối quan hệ lành mạnh, hữu ích giữa hai bên. Từ phía giảng viên, khi trao đổi với học viên, cũng cần nhìn nhận vấn đề từ quan điểm của học viên, từ đó hiểu những gì học viên muốn nói, thay vì áp đặt những trải nghiệm cá nhân và suy nghĩ của mình vào thông điệp đó.

Do mỗi người đều có hoàn cảnh sống và lối sống, cách suy nghĩ riêng, đôi khi hiểu nhầm có thể xảy ra, giảng viên nên lường trước được những tình huống đó và đảm bảo thông điệp mình truyền tải là thật sự rõ ràng, đơn giản, không gây khúc mắc.

2. Rào cản trong giao tiếp

Giao tiếp là một quá trình phức tạp. Bất kỳ lúc nào, quá trình này cũng có thể gặp vấn đề, khiến cho việc giao tiếp trở nên kém hiệu quả. Chẳng hạn như phòng ồn quá, hoặc đang trao đổi qua mạng nhưng đường truyền lại không ổn định. Là giảng viên, để đảm bảo có thể truyền tải thông tin một cách tốt nhất, bạn nên đề phòng trước những rào cản có thể gây ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp giữa mình và học sinh. Dưới đây là một số yếu tố cần xét đến để đảm bảo giao tiếp được hiệu quả và thuận lợi.

2.1. Thời gian

Thời gian là một yếu tố quan trọng trong giao tiếp. Cuộc trò chuyện giữa hai người sẽ trở nên sâu sắc và có ý nghĩa, thoải mái và không bị vội vã nếu thời gian cho phép. Ngược lại, đây sẽ trở thành một rào cản nếu như lượng thông tin quá lớn. Chẳng hạn như cuối giờ học viên đưa ra câu hỏi nhưng buổi học sắp kết thúc, hay bạn sắp có ca dạy tiếp theo nên không đảm bảo có thể đưa ra một câu trả lời chi tiết và đầy đủ? Nếu bạn cố trả lời nhanh cho xong, học viên có thể không kịp hiểu hết thông tin, có thể không nghe rõ được những phần quan trọng. Hay học viên hỏi quá nhiều, đặc biệt là những câu hỏi không liên quan, làm ảnh hưởng đến thời lượng của buổi dạy?

Ngoài ra, việc giảng viên lên kế hoạch giảng dạy chưa hiệu quả hoặc không theo sát khung kế hoạch đó, dẫn đến cháy giáo án, cũng là một ví dụ của việc chưa tận dụng được thời gian trong giao tiếp. Giảng viên và học viên sẽ cùng bị vội trong hoạt động học tập, dẫn đến một số phần kiến thức chỉ được nói qua loa, ảnh hưởng đến chất lượng của buổi học.

Có nhiều cách giải quyết khác nhau mà giảng viên có thể áp dụng, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể. Giảng viên có thể xây dựng một giáo án thật chi tiết, lường trước được những vấn đề có thể xảy ra, ảnh hưởng đến thời lượng của buổi học, và bám sát theo khung thời gian đó, đảm bảo cả lớp không bị quá vội với phần nào. Với những câu hỏi của học viên, giảng viên sẽ cân đối thời gian để trả lời, tuỳ thuộc vào việc câu hỏi đó có thật sự liên quan, đóng góp cho nội dung buổi học, hay không. Nếu học viên hỏi vào thời gian nghỉ, hoặc giữa 2 ca học, giảng viên có thể nói trước về giới hạn thời gian và gợi ý một khung giờ khác để trao đổi kỹ hơn “Giờ cô chỉ có 5 phút thôi, vấn đề này khá phức tạp, mình sẽ trao đổi sau nhé” và đưa ra một khung thời gian cụ thể, để học viên biết là giảng viên có quan tâm và cuộc trò chuyện đó được tôn trọng.

Xem thêm về cách trả lời những câu hỏi của học viên, và việc chuẩn bị trước buổi học tại bài viết Cá nhân hoá phương pháp giảng dạy.

2.2. Môi trường xung quanh

Lớp học có quá ồn để bạn và học viên có thể trao đổi hiệu quả? Hay có quá nhiều điều gây xao nhãng xung quanh? Chẳng hạn như bạn bè trong lớp cười đùa, hay lớp học có quá đông người, học viên có tâm lý e ngại khi phải lên bục giảng với giảng viên trước nhiều con mắt.

Bạn sẽ cần tính đến cả việc môi trường xung quanh không thuận lợi cho việc giao tiếp với học viên của mình, cũng như nghĩ ra những phương án có thể hỗ trợ học viên tốt hơn, chẳng hạn như hẹn học viên đến sớm hơn, khi lớp học còn vắng người – tạo tâm lý thoải mái và môi trường yên tĩnh cho học viên, hoặc hẹn trao đổi qua điện thoại tại nhà, khi mà hai bên đều ở trong một không gian yên tĩnh và thoải mái.

2.3. Đường truyền mạng

Việc trao đổi với học viên qua mạng đã trở nên quen thuộc với hầu hết các giảng viên hiện nay. Vì vậy, giảng viên cũng cần tính đến những vấn đề có thể sẽ gặp phải, làm gián đoạn quá trình giao tiếp với học viên khi hai bên không gặp mặt trực tiếp. Chẳng hạn như khi gửi tài liệu hay chấm chữa bài, giảng viên nên xác định khoảng thời gian bị chậm trễ do đường truyền. Hoặc khi trao đổi qua các cuộc gọi, nên đảm bảo bạn có đường truyền mạng ổn định, tránh làm gián đoạn những thông tin quan trọng, đồng thời đảm bảo rằng phía học viên cũng vậy. Hai bên nên thỏa thuận thời gian trao đổi, và giảng viên sẽ nhắc nhở học viên đảm bảo kết nối mạng đủ ổn định trong suốt thời gian cuộc trao đổi diễn ra.

2.4. Khác biệt văn hoá

Trong quá trình giảng dạy, có thể bạn sẽ gặp rất nhiều đối tượng học viên khác nhau, với văn hoá và lối suy nghĩ khác nhau. Điều này trở nên phổ biến hơn với sự phát triển của các khoá học online, khi một học viên từ Hồ Chí Minh vẫn có thể tham gia một lớp học online tại Hà Nội, hay học viên đang sinh sống và làm việc tại một quốc gia khác. Như vậy, khi giảng dạy và giao tiếp, giảng viên cũng cần xem xét đến những yếu tố như vậy để đảm bảo mình không vô tình xúc phạm đến nền văn hoá nào, hoặc đơn giản hơn là bài học của mình dễ hiểu, phù hợp với mọi học viên. 

3. Những điều cần tránh

Cảm xúc tiêu cựcKhi giảng viên lên lớp với những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như buổi hôm đó nhiều hoặc viên không làm bài tập về nhà, hoặc có nhiều vấn đề khác trong cuộc sống, rất dễ ảnh hưởng đến giao tiếp giữa giảng viên với học viên. Giao tiếp với tâm lý căng thẳng và mệt mỏi sẽ khó có thể đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ngôn ngữ cơ thể không đúngHoặc khi trao đổi với học viên và học viên đó hiểu sai vấn đề hay chậm trong việc nắm bắt thông tin, có thể trong vô thức, giảng viên sẽ gửi đi những tín hiệu thể hiện rằng mình không đồng tình với quan điểm đó như nhíu mày, lắc đầu hay thể hiện việc sốt ruột đợi học viên nói xong còn sửa như gõ tay lên mặt bàn, khoanh tay hay thở mạnh. Ngoài ra, một số thói quen vô thức như đứng khoanh tay sẽ tạo cảm giác khó gần, khiến học viên khó cởi mở hơn.
Thiếu tập trungGiao tiếp sẽ khó có thể đạt được hiệu quả tốt nhất nếu giảng viên đang làm nhiều việc cùng một lúc, ví dụ như vừa trao đổi với học viên vừa tranh thủ chấm bài hay làm những việc khác. Trong hầu hết các trường hợp, giảng viên sẽ quá tập trung vào việc còn lại mà không nghe kỹ những gì học viên nói, dẫn đến hiểu nhầm thông tin hoặc khiến học viên cảm thấy không được tôn trọng hay e dè hơn trong việc đưa ra câu hỏi vì cảm thấy giảng viên quá bận rộn, không thể dành thời gian cho mình.
Ngắt lờiCó thể thời gian bị hạn chế, hay giảng viên nghĩ rằng mình hiểu ý học viên rồi, nên xen vào để đẩy nhanh tiến độ cuộc trò chuyện, hoặc học viên đang đưa ra một quan điểm mà rõ ràng là sai, nên giảng viên nhận thấy mình cần phải sửa lại suy nghĩ này. Tuy nhiên, giảng viên tuyệt đối không nên ngắt lời khi học viên chưa nói xong. Đừng vội vàng tập trung vào những gì mình cần nói, vì như vậy có thể dẫn đến việc hiểu nhầm giữa hai bên, học viên muốn trình bày một vấn đề nhưng chưa nói xong giảng viên đã xen vào, hiểu nhầm sang vấn đề khác. Như vậy vừa tốn thời gian cả hai bên, vừa có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa học viên và giảng viên, khi học viên cảm thấy mình không được lắng nghe, không được tôn trọng, hay nghĩ rằng giảng viên luôn cho mình là đúng.

III. Giao tiếp hiệu quả trong lớp học 

1. Thuyết trình

Ở mức độ cơ bản nhất, công việc của một người giảng viên là giảng dạy và truyền đạt thông tin về một vấn đề cụ thể. Đây là kỹ năng thuyết trình, là một phần trong giao tiếp, không phải chỉ đơn giảng là nhắc lại những gì trong giáo trình đã ghi, mà là tìm cách khiến cho những thông tin đó gần gũi với học viên hơn, làm sao để khiến học viên quan tâm và tham gia nhiều hơn vào bài học.

Mỗi giảng viên sẽ có phong cách giảng dạy khác nhau, có người muốn mình nói – học viên ghi chép và học phần đó sau, có người muốn khiến lớp học sôi nổi hơn, là cuộc trao đổi, thảo luận giữa hai bên. Dù là phong cách nào, điểm chung vẫn là giảng viên cần biết cách chia những phần kiến thức lớn và phức tạp, thành những phần nhỏ, phù hợp với trình độ của học viên hơn, hay sử dụng đa dạng các cách diễn đạt khác nhau sao cho phù hợp với đối tượng mình đang giảng dạy. Như vậy, trước hết, kỹ năng giao tiếp của giảng viên bắt đầu từ việc có kỹ năng thuyết trình tốt, biến những kiến thức khô khan thành thú vị, và nắm bắt được sự chú ý của học viên khi đứng trên bục giảng giảng về lý thuyết.

 Các giảng viên có thể tham khảo Bộ tiêu chí đơn giản dưới đây để đảm bảo việc  thuyết trình của mình trên lớp diễn ra hiệu quả và chuyên nghiệp:


Check list về kĩ năng thuyết trình

Dễ nghe
Âm lượng đủ to để học viên cuối lớp vẫn nghe được, nhưng không gây khó chịu cho các học viên dãy bàn đầuKhông lầm bầm, tránh ậm ừ quá nhiều khi nóiTốc độ vừa đủ, đặc biệt khi cần học viên ghi chép hay khi học viên đang đọc (giáo trình, slide, bài tập…)


Dễ hiểu
Không dùng quá nhiều từ ngữ chuyên môn, nếu có thì sẽ đưa ra giải thích sao cho phù hợp trình độ học viên, dừng một vài giây ở những từ khoá – thông tin quan trọngTập trung vào thông tin chính (những chi tiết nhỏ có thể để học viên tự xem lại sau)


Giao tiếp hai chiều
Thường xuyên kiểm tra xem học viên có đang tập trung nghe không hay học viên có gặp khó khăn gì trong việc hiểu khôngTránh nói dông dài quá nhiềuChú ý đến biểu cảm và thái độ của học viên để điều chỉnh tốc độ bài giảng cho phù hợp

2. Handout

Handout là một phương thức giao tiếp rất phổ biến giữa giảng viên và học viên. Đó có thể là một văn bản được chính giảng viên soạn nên, tổng hợp chi tiết phần kiến thức ngày hôm đó, hay tóm gọn lại những điểm quan trọng học viên cần ghi nhớ, hoặc bài tập được giảng viên biên soạn, tổng hợp, hay những hướng dẫn về việc học viên cần phải làm ở nhà, sau/trước buổi học. Đây chính là tài liệu được học viên lưu giữ và đối chiếu trong thời gian tự học của họ. Vậy, làm sao để giảng viên có thể giao tiếp với học viên một cách hiệu quả qua handout?

Giảng viên có thể tham khảo checklist cơ bản dưới đây để đảm bảo handout của mình truyền tải thông tin một cách hiệu quả nhất.

Checklist về handout





Nội dung
Phù hợp với mục đích(Handout nên ngắn gọn, với những gạch đầu dòng quan trọng nếu mục đích là giúp học viên nhớ được những thông tin mấu chốt. Tuy nhiên, handout lại nên đầy đủ và chi tiết nếu trên lớp giảng viên đã nói về những phần quan trọng nhất, và muốn học viên về nhà nghiên cứu kỹ tài liệu được giao với thông tin, kiến thức đầy đủ hơn)Cập nhật thường xuyên(Giảng viên có thể sẽ sử dụng cùng một handout cho nhiều khoá học. Vì vậy, việc đảm bảo những thông tin đưa ra trong handout là chính xác là cực kỳ quan trọng. Chẳng hạn như có thông tin mới về quy chế của kỳ thi hay bài kiểm tra, hay liệu có phần nào trong handout đã không còn khớp với bài giảng do giảng viên đã thay đổi nội dung bài học.)



Văn phong
Dễ hiểu(Handout có thể là nội dung được tổng hợp từ các nguồn tài liệu khác nhau, nhưng giảng viên không nên bê y nguyên lối hành văn của những bộ tài liệu tham khảo mà nên sửa đổi sao cho dễ hiểu nhất với trình độ học viên. Nên tránh những từ ngữ mang tính chuyên môn quá cao, sửa đổi những ví dụ minh hoạ sao cho có tính liên hệ mật thiết với đời sống thường ngày và hiểu biết của học viên.)Dấu ấn cá nhân(Mỗi giảng viên đều có phong cách giảng dạy riêng, nên việc handout cũng phù hợp với phong cách giảng dạy đó sẽ giữ cho sự giao tiếp giữa giảng viên và học viên luôn nhất quán trong suốt khoá học)





Trình bày
Logic(Các phần trong handout nên được trình bày theo đúng thứ tự của bài học, và theo từng phần riêng để học viên dễ theo dõi. Nếu buổi học diễn ra theo trình tự A -> B -> C thì handout cũng nên được trình bày như vậy, tránh gây khó hiểu cho học viên khi vừa phải theo kịp bài giảng và thông tin trong handout khi hai cái không cùng một trật tự)Dễ đọc(Nếu giảng viên viết tay handout của mình thì nên đảm bảo chúng dễ đọc, không bị gạch xoá quá nhiều. Hơn nữa cỡ chữ cũng nên vừa đủ, không quá nhỏ, tránh nhồi nhét thông tin thành những đoạn văn dài, dễ gây nhàm chán cho người đọc)Sinh động(Tuỳ vào từng bài giảng, giảng viên nên kết hợp những bảng biểu, hình ảnh hay biểu đồ minh hoạ để khiến handout sinh động và bắt mắt hơn. Việc sử dụng cỡ chữ khác nhau và các hình thức in đậm, in nghiêng hay gạch chân cho tiêu đề từng phần cũng là một cách khơi gợi sự chú ý của học viên.)

3. Công cụ hỗ trợ

Giờ đây giảng viên có đa dạng lựa chọn trong lớp học, không chỉ bằng mỗi bảng đen và giọng nói. Máy chiếu, TV hay loa âm thanh, các ứng dụng cho phép ghi âm và ghi hình trước,.. Tất cả đều đã và đang được sử dụng rộng rãi trong lớp học, nhằm hỗ trợ việc truyền tải thông tin của giảng viên đến với học viên.

Kim tự tháp học tập theo nhà giáo dục Edgar Dale

Như vậy, có thể thấy, nếu giảng viên kết hợp sử dụng hình ảnh hay video trong lớp học, khả năng lưu trữ thông tin của học viên sẽ lớn hơn nhiều so với việc chỉ ngồi nghe giảng viên nói hay theo dõi những gì được ghi trong giáo trình.

IV. Lợi ích của việc giao tiếp hiệu quả trong giảng dạy

Người giảng viên có kỹ năng giao tiếp tốt luôn có thể khiến mọi thứ dễ dàng và dễ hiểu hơn, đồng thời hạn chế những cảm xúc tiêu cực mà học viên có thể cảm thấy trong quá trình học tập. Việc giảng viên nuôi dưỡng một mối quan hệ tốt với học viên – thông qua giao tiếp, sẽ cho phép học viên tự do và thoải mái trong việc trao đổi thông tin, đặt ra những câu hỏi, mà không phải cảm thấy xấu hổ hay sợ bị đánh giá.

Giảng viên có kỹ năng giao tiếp tốt cũng sẽ giúp thúc đẩy sự tự tin ở học viên. Nhìn chung, ai cũng muốn được lắng nghe. Nếu giảng viên thể hiện mình quan tâm đến quan điểm và suy nghĩ của học viên, họ sẽ cảm thấy bản thân mình xứng đáng, và tự tin với những ý kiến của mình hơn. Một học viên tự tin sẽ không mất quá nhiều thời gian phân vân khi làm bài, và cũng sẽ ít do dự hơn khi nói trước lớp. Điều này có thể góp phần thúc đẩy sự tham gia của cả lớp vào bài học.

Bằng việc giao tiếp thường xuyên và hiệu quả xuyên suốt tiết học, giảng viên cũng có thể nắm bắt tốt hơn mức độ hiểu bài của học viên. Nếu giảng viên đưa ra câu hỏi mà không có hồi âm, có thể đa số lớp đang không hiểu bài. Hoặc giảng viên cũng có thể yêu cầu học viên đưa ra feedback về bài giảng, về khoá học, ghi nhận những mong muốn và nhu cầu của học viên một cách cụ thể. Tất cả đều nhằm phục vụ quá trình học tập, giúp việc học đạt được hiệu quả cao nhất.

V. Các phương pháp cải thiện kỹ năng giao tiếp hiệu quả

1. Tam giác hùng biện

Giao tiếp giữa giảng viên và học viên có mục đích chính là gây tác động đến học viên. Giảng viên truyền tải kiến thức, tạo động lực, khiến học viên có kết quả học tập tốt hơn, được trang bị kiến thức vững vàng để không chỉ chinh phục kỳ thi mà còn có thể sử dụng những gì mình đã học một cách tốt nhất.

Theo Aristotle, có 3 yếu tố có thể cải thiện khả năng thuyết phục người khác:

(i) Ethos – Tính cách

(ii) Pathos – Cảm xúc

(iii) Logos – Logic 

Ethos là địa vị, tính cách của người giảng viên, khiến cho bản thân mình đáng tin cậy. Ngoài ra, ethos cũng là sự uy tín của những nguồn thông tin được trích dẫn bởi giảng viên hay giáo trình, tài liệu được sử dụng. Trong một số trường hợp, ethos còn là danh tiếng của trung tâm mà học viên theo học.

Có hai kiểu ethos với giảng viên: bên ngoài (chuyên môn hay kinh nghiệm của giảng viên) và bên trong (khả năng giao tiếp). Ngay cả khi giảng viên nắm chắc kiến thức mình đang giảng dạy trong lòng bàn tay, nếu bạn lầm bầm, không giao tiếp bằng mắt hay chỉ nhìn xuống dưới khi nói, hay chưa thể hiện được sự tự tin, học viên rất có thể sẽ đặt ra câu hỏi về độ uy tín của họ. Đừng nhầm tưởng rằng bởi vì bạn giỏi về mặt chuyên môn là tất cả học viên đều sẽ bị tác động, đều sẽ làm theo những gì bạn muốn một cách tâm phục khẩu phục. Bạn cần nhiều hơn thế, cần tạo dựng uy tín của chính bản thân mình, ngoài những bằng cấp hay số năm kinh nghiệm, để tạo ra dấu ấn riêng, gây ảnh hưởng đến học viên trong việc thúc đẩy họ học tập.

Pathos là cảm xúc mà người nói, hay thông điệp, muốn khơi gợi được ở người nghe. Bạn kể một câu chuyện về việc không học hành chăm chỉ dẫn đến việc không đạt được mức điểm mong muốn, khiến học viên đồng cảm với câu truyện đó, sợ kết quả xấu xảy ra, có động lực học hơn. Đó chính là Pathos. Hơn ai hết, giảng viên hiểu rõ rằng tất cả những thông tin quan trọng, những kiến thức hay ho, đều là vô nghĩa nếu chẳng ai quan tâm. Vì vậy, giảng viên cần biết cách khiến học viên hứng thú với những gì mình đang nói. Có thể bắt đầu từ chính đam mê, cảm xúc của giảng viên, hay bằng những ví dụ minh hoạ gắn liền với học viên. Nói cách khác, giảng viên cần kết nối với học viên nhiều hơn là chỉ những kiến thức trong giáo trình.

Logos là tính logic của thông điệp mà giảng viên muốn truyền tải tới học viên. Bạn có đang giải thích kiến thức một cách dễ hiểu? Điều bạn yêu cầu ở học viên là phù hợp? Giảng viên có thể cải thiện logos của thông điệp bằng cách đưa ra các bằng chứng hay ví dụ minh hoạ, giúp khẳng định lại quan điểm của mình tốt hơn. Dù vậy, bạn cũng nên chú ý đến trình độ của học viên khi truyền tải thông điệp, việc sử dụng quá nhiều từ ngữ chuyên môn, vượt quá tầm hiểu biết của họ, có thể sẽ lấn át tính logic của thông điệp, khiến bạn thất bại trong việc thuyết phục học viên. Ngoài ra, học viên cũng sẽ có logic riêng của họ, với những gì họ đã tiếp xúc ở trường hoặc xuất phát từ tiếng mẹ đẻ, họ sẽ có những thắc mắc về kiến thức được giảng dạy trên lớp. Giảng viên cần biết cách xử lí những câu hỏi này, có thể đó sẽ là những câu hỏi về những vấn đề với bạn là hết sức đơn giản, nhưng việc giải thích sao cho hợp lý và logic nhất với đối tượng học viên của mình, không phải lúc nào cũng dễ dàng. 

Hiểu về kỹ năng hùng biện sẽ giúp ích khá nhiều, vì điều này giúp giảng viên hiểu được vì sao học viên chưa thật sự kết nối được với mình hay tại sao một buổi học lại thất bại trong việc khơi gợi cảm hứng với người học. Để thuyết phục người nghe, ta thường cố gắng sử dụng kết hợp cả ba yếu tố trên. Trong học thuật, logos và ethos, logic và uy tín, có xu hướng được coi trọng hơn pathos, cảm xúc. Chẳng hạn như một bài luận chỉ dựa trên cảm xúc thì sẽ khó mà được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Tuy vậy, trong giảng dạy, nếu giảng viên chỉ đưa ra kiến thức một cách khô khan, học viên sẽ rất dễ cảm thấy nhàm chán. Nhưng nếu bạn đưa ra những quan điểm quá thiên về mặt cảm xúc thay vì tính logic, uy tín của bạn sẽ giảm sút đáng kể. Vì vậy, giảng viên cần khéo léo áp dụng linh hoạt cả ba yếu tố trên, để khiến mình có sức ảnh hưởng nhiều nhất đối với học viên. Trong quá trình giảng dạy, sẽ có học viên phản đối, họ không đồng tình với cách giảng dạy của giảng viên. Chẳng hạn như học viên trình độ thấp đã muốn ôn luyện ngay những bộ đề luyện thi, vì họ nghĩ làm càng nhiều đề càng tốt. Hay họ phản đối kiến thức vì nó trái với những gì họ đã biết trước đó (một cách sai lầm). Lúc này, giảng viên nên khéo léo sử dụng logos để chỉ ra tính logic của phương pháp dạy (trình độ của học viên bây giờ mà làm luôn đề thì sẽ không hiệu quả), pathos để khơi gợi cảm xúc của học viên (làm nhiều đề mà đề nào cũng điểm kém thì sẽ rất dễ nản, thay vì đó mình học dần dần những kiến thức nền, độ khó tăng dần sẽ giúp mình làm quen với các nội dung trong đề hơn, rồi đến khi luyện tập sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất), và ethos để khiến học viên tin vào phương pháp của mình, tin vào những gì mình đang nói (trước cô cũng áp dụng phương thức này khi bắt đầu ôn luyện IELTS; các học viên của cô sau khi kết thúc khoá đều cảm thấy đây là cách học đúng đắn; cô giảng dạy bằng cách này là để phục vụ tốt nhất cho quá trình học của lớp mình, làm sao để các bạn có thể đạt được nhiều tiến bộ nhất).

2. Lắng nghe

Khi giao tiếp với học viên, đôi khi giảng viên có thể sẽ không tập trung hoàn toàn vào những gì học viên nói, mà thay vào đó suy nghĩ về những gì mình sẽ nói tiếp theo. Chẳng hạn như học viên đang hiểu sai một khái niệm, giảng viên không tránh khỏi việc suy nghĩ xem làm sao mình có thể sửa lại quan điểm này của học viên, làm sao có thể diễn đạt khái niệm đó theo một cách đơn giản và dễ hiểu nhất.

Tuy nhiên, giao tiếp còn có nghĩa là lắng nghe. Có sự khác nhau rõ ràng giữa việc chú ý lắng nghe và nghe thụ động. Khi thật sự tập trung, bạn sẽ nhận thấy được những điều không nằm trong câu chữ được nói ra, có thể là tông giọng hay cảm xúc của người nói. Học viên đang cần giảng viên đưa ra một câu trả lời đúng sai rõ ràng? Hay đang cần được nói ra quan điểm của mình và muốn biết liệu mình đang đi đúng hướng, muốn tự tìm ra đáp án? Khi tập trung lắng nghe, giảng viên sẽ hiểu rõ hơn thông điệp mà học viên đang muốn truyền tải, cũng như khiến họ cảm thấy được thấu hiểu được tôn trọng, từ đó giúp xây dựng mối quan hệ tốt hơn giữa hai bên.

Giảng viên cũng có thể cho học viên thấy rằng mình không mất tập trung, ngay cả khi học viên nói nhiều và dài, bằng cách tóm gọn lại những gì học viên vừa nói, một cách đơn giản và dễ hiểu, như vậy đảm bảo được mình hiểu đúng ý học viên, cũng thể hiện được sự tập trung lắng nghe của mình.

3. Vị trí trong lớp

Dù đứng, ngồi, hay cúi xuống đối diện với học viên, bên cạnh hay đằng sao học viên, vị trí của giảng viên luôn ngầm gửi đi những thông điệp về hoạt động mà mình đang hướng tới. Sẽ có lúc giảng viên cần là tâm điểm sự chú ý trong lớp, nhưng cũng có lúc giảng viên muốn để cho học viên không gian tự do hơn, để tập trung vào hoạt động đang diễn ra. Tuỳ vào mục đích của từng phần mà giảng viên nên chọn vị trí, tư thế linh hoạt trong lớp sao cho phù hợp.

3.1. Đứng

Thông thường, giảng viên sẽ đứng trên bục giảng, ở phía đầu lớp học, hướng lời nói của mình xuống bên dưới. Đây là một điều hoàn toàn bình thường, do đó là vị trí nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý nhất từ cả lớp. Đây là tư thế giảng viên nên sử dụng khi đưa ra chỉ dẫn hay giảng những phần lý thuyết quan trọng. Một số giảng viên có kinh nghiệm có thể sẽ biết cách thu hút sự chú ý của một tập thể lớp ngay cả khi ngồi, tuy nhiên vẫn tồn tại rủi ro những bạn học viên ngồi xa hay ngồi cuối không nhìn rõ giảng viên, sẽ mất tập trung, ảnh hưởng đến việc truyền đạt kiến thức hay giao tiếp giữa hai bên. 

3.2. Ngồi

Việc bắt đầu lớp học khi đang ngồi, có thể tạo ra bầu không khí thoải mái và thân thiện, khi học viên vào lớp không lập tức phải ngước lên nhìn giảng viên đang đứng ở một vị trí cao hơn (trên bục giảng), hay hai bên không phải đối mặt nhau (không có bục giảng). Tuy nhiên nếu giảng viên chỉ ngồi một chỗ xuyên suốt cả buổi học, học viên có thể sẽ cảm thấy giảng viên không hứng thú với tiết học, và điều này sẽ tạo ra một buổi học nhàm chán, thiếu năng lượng, do giảng viên – người truyền tải năng lượng cho cả lớp, lại thụ động. Giảng viên chỉ nên ngồi khi đó là vị trí trung tâm, cho phép mình tiếp cận với các nhóm học viên xung quanh một cách công bằng, thay vì vị trí đầu lớp – thường chỉ đối diện được một số hàng ghế đầu. Ngoài ra, khi cho học viên thời gian thảo luận, làm việc theo cặp, theo nhóm, giảng viên cũng có thể ngồi một chỗ quan sát để tránh làm xao nhãng các bạn trong lớp. 

3.3. Di chuyển

Tuy nhiên, giảng viên cũng nên cân nhắc di chuyển xung quanh, và mở rộng phạm vi bước chân của mình. Chẳng hạn như khi có học viên đặt ra câu hỏi, giảng viên nên đến gần bàn học viên đó hơn, hoặc đôi khi là đến gần hơn với những học viên mà thường hay im lặng, không hay thể hiện quan điểm của mình. Khoảng cách gần có thể góp phần giúp giảm bớt căng thẳng, khuyến khích học viên trao đổi nhiều hơn, tự tin hơn trong việc đưa ra ý kiến cá nhân – một điều mà việc phải nói lớn giữa đám đông có thể đem lại áp lực. Hơn nữa, việc giảng viên không đứng yên một chỗ xuyên suốt cả buổi học, cũng giúp học viên thay đổi điểm tập trung, vì nhìn mãi vào một chỗ có thể sẽ gây cảm giác nhàm chán.

3.4. Một số vấn đề với vị trí đứng

3.4.1. Giao tiếp giảng viên với lớp
Vấn đềNguyên nhânGiải pháp
Học viên không tập trung, bỏ lỡ chỉ dẫn hoạt động, không theo kịp bài học.Giảng viên ngồi một chỗ hay đứng về một bên lớp học – không bao quát được cả lớpĐứng ở vị trí trung tâm đảm bảo quan sát được cả lớp, giao tiếp bằng mắt đều với mọi học viên
3.4.2. Giao tiếp giữa học viên trong nhóm/cặp

Nguyên nhân

Giảng viên ở quá lâu trong một nhóm

Vấn đề: Học viên hoạt động nhóm/cặp không hiệu quả. 

Sẽ có những lúc mục đích của hoạt động là để học viên tự tìm ra câu trả lời, nhưng nếu giảng viên luôn bên cạnh sẵn lòng trả lời hết các câu hỏi thì sẽ xuất hiện một số học viên chưa chủ động làm việc, hay việc có giảng viên sát bên khiến học viên cảm thấy bị lấn át, không có không gian tự do giao tiếp.

Hoặc các nhóm còn lại sẽ không có được sự hỗ trợ từ giảng viên, dẫn đến tốc độ làm việc nhóm bị chậm lại, hoặc dừng hẳn.

Giải pháp

Giảng viên chia nên đều sự chú ý của mình cho các nhóm, chẳng hạn như hoạt động đầu tiên giảng viên sẽ hỗ trợ nhóm 1 2, hoạt động sau hỗ trợ nhóm 3 4.

4. Đưa ra nhận xét

4.1. Tích cực

Việc đưa ra những nhận xét tích cực, ghi nhận sự cố gắng và cải thiện của học viên là rất quan trọng, giúp thúc đẩy việc giao tiếp hiệu quả trong lớp học. Khi nhận được những lời khen, học viên sẽ cảm thấy tự tin hơn, có thêm động lực cố gắng hơn, có thêm niềm tin vào bản thân, giúp giảm bớt tâm lý e ngại sợ khó. Nếu giảng viên luôn quá chú trọng vào việc nhắc nhở, đưa ra hình phạt với những hành động không tốt trong lớp, học viên sẽ rất dễ bị nản lòng, lâu dài có thể dẫn đến việc không muốn cố gắng, khi đã quen với việc nhận được những nhận xét tiêu cực. Tuy nhiên nếu những feedback tích cực được đưa ra quá thường xuyên hay không có mục đích rõ ràng, giao tiếp giữa giảng viên và học viên cũng trở nên kém hiệu quả. Hoặc học viên sẽ quá phụ thuộc vào những lời khen đó, mà không tự giác học hay làm bài.

Ngoài ra, giảng viên cũng có thể rèn luyện học viên trong việc đưa ra feedback cho bạn học của mình. Điều này giúp phát triển kỹ năng giao tiếp của chính các bạn học viên trong lớp, giúp họ tập trung lắng nghe, học hỏi từ những bạn cùng lớp, giữ cho lớp học luôn sôi nổi, chia đều sự chú ý cho các thành viên trong lớp, thay vì mỗi giảng viên.

Điều quan trọng của feedback là tính chi tiết và cụ thể, chẳng hạn khi học viên đưa ra một câu trả lời speaking tốt, thay vì chỉ khen “Rất tốt”, giảng viên nên chỉ rõ ra điểm nào của câu trả lời đó đang đáng được khen ngợi. Ví dụ như học viên có dẫn chứng làm rõ luận điểm của mình, từ vựng được sử dụng đa dạng, cấu trúc ngữ pháp linh hoạt và chính xác. Như vậy, học viên sẽ biết được những điểm mạnh của mình ở hiện tại và biết nên tiếp tục phát huy chúng ra sao trong tương lai.

4.2. Tiêu cực

Những feedback tiêu cực không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc chê bai hay hạ thấp học viên. Nếu sử dụng đúng lúc và phù hợp, những nhận xét này vẫn có thể đóng góp tích cực vào quá trình học của học viên. Chẳng hạn như khi học viên có những biểu hiện không phù hợp trong lớp học, như nói chuyện riêng hay mất tập trung, giảng viên hoàn toàn có thể nhắc nhở, phê bình. Hoặc học viên lười học, gian lận hay làm bài ẩu dẫn đến điểm kém, việc giảng viên cần làm là đưa ra những lời nhận xét thẳng thắn, để học viên tự nhận thức được lỗi sai của mình, đảm bảo không tái phạm lần sau.

Một điều cần lưu ý với việc đưa ra phê bình với học viên là giải pháp, thay vì chỉ nói ra lỗi sai của học viên, bạn nên đưa luôn giải pháp, để học viên biết giảng viên đang giúp đỡ họ trở nên tốt hơn, thay vì cảm thấy bị công kích, nghĩ rằng giảng viên đang chỉ trích mình. Hơn nữa, hãy cố gắng tập trung vào hành vi, thay vì đối tượng thực hiện. Nhấn mạnh rằng đó là hành vi sai trái, không phù hợp, để người mắc sai lầm, cũng như toàn bộ thành viên trong lớp, ý thức rõ hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc học.

4.3. Hai chiều

Để tạo ra một môi trường thoải mái và minh bạch, giảng viên cũng nên trao cho học viên cơ hội đứng đưa ra feedback về chính giảng viên và khoá học. Điều này thể hiện rằng giảng viên tôn trọng và đề cao cảm nhận của học viên xuyên suốt quá trình học. Việc nhận được những feedback mang tính đóng góp của học viên cũng giúp giảng viên có thể nhìn nhận lại phương pháp giảng dạy của mình và đưa ra chỉnh sửa nếu cần thiết, sao cho phù hợp nhất với nhu cầu và trình độ hiện tại của lớp.

Minh hoạ về một câu hỏi trong phiếu khảo sát

Giảng viên có thể tham khảo các cách ghi nhận feedback của học viên cũng như các yếu tố nên xuất hiện trong phiếu khảo sát trải nghiệm học tại bài viết Quản lí lớp học hiệu quả.

5. Ngôn ngữ cơ thể

“Your body communicates as well as your mouth. Don’t contradict yourself”

  • Allen Ruddock

Ngôn từ có sức mạnh rất lớn, tuy nhiên các cử chỉ và hành động của giảng viên cũng quan trọng không kém. Nếu sử dụng đúng, kết hợp được ngôn từ và cử chỉ, giao tiếp của giảng viên sẽ mang tính đồng điệu cao và có tầm ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với việc đứng im và nói.

Minh hoạ về các loại ngôn ngữ cơ thể

Ngôn ngữ cơ thể trong giảng dạy bao gồm đa dạng các hành vi như gật đầu biểu thị học viên có câu trả lời đúng, cúi xuống với bàn học viên thể hiện vị trí ngang bằng, giảng viên không lấn át học viên hay giao tiếp bằng mắt khi nói thể hiện giảng viên đang quan sát và quan tâm đến học viên thay cho việc đứng nói một mình, không thể hiện sự quan tâm. Ngôn ngữ cơ thể tích cực có khả năng truyền cảm hứng, thúc đẩy học viên tham gia nhiều hơn vào buổi học, cho họ cảm giác an toàn và tự tin khi trình bày quan điểm của mình. Đồng thời, giảng viên cũng thoải mái và tự tin hơn trong giảng dạy. 

Dưới đây là một số gợi ý về ngôn ngữ cơ thể giảng viên có thể cân nhắc sử dụng trong lớp học của mình:





Giao tiếp bằng mắt
Ngoài việc nhìn bao quát lớp, xung quanh phòng, đôi khi bạn cũng nên cố định ánh nhìn của mình ở một vài học viên cụ thể, điều này tạo cho họ cảm giác bạn đang giao tiếp một cách trực tiếp với họ, và họ sẽ tập trung hơn. Bạn có thể nhìn mỗi học viên khoảng 15 – 30 giây trước khi chuyển sang học viên khác.


Sử dụng tay linh hoạt
Vỗ tay khi học viên đưa ra câu trả lời đúngĐưa tay ra, về phía học viên biểu thị đang yêu cầu một câu trả lời. Khi mời học viên lên bảng hoặc trả lời câu hỏi, bạn cũng nên đưa cả bàn tay thay vì chỉ trỏ bằng một ngón tay, điều này khiến học viên cảm thấy được tôn trọng hơn.Vẫy tay khi học viên trả lời sai (vẫn giữ nụ cười, không để học viên cảm thấy nặng nề khi nói sai)Đưa/nâng hai tay lên khi học viên trả lời đúng (biểu thị đã tìm ra câu trả lời)




Sáng tạo
Đưa tay lên cằm và nghiêng đầu, nhíu mày khi suy nghĩ về một câu hỏi bạn vừa đưa ra cho cả lớp để kích thích trí tò mó, thúc đẩy họ tìm ra câu trả lờiSử dụng biểu cảm ngạc nhiên bạn vừa giải thích một kiến thức mới, giúp biến kiến thức đó trở nên thú vị hơn.Bạn cũng có thể bắt chước biểu cảm của học viên, để khiến họ cảm thấy được chú ý. Chẳng hạn bạn đưa ra câu hỏi và học viên lắc đầu không hiểu, bạn có thể lắc đầu theo và hỏi “Khó quá nhỉ, để cô giải thích lại nhé!”Học viên lớn hơn có lẽ sẽ không quá hào hứng với high five nữa, nhưng bạn vẫn có thể sử dụng những chiếc bắt tay thể hiện sự thành công. Đưa ra một câu hỏi khó và bắt tay học viên trả lời đúng, cho họ cảm giác tự tin, mình vừa đạt được một thành tựu

Ngoài việc kiểm soát ngôn ngữ của bản thân, giảng viên cũng có thể chú ý đến những gì mà học viên thể hiện. Lời nói có thể đánh lừa nhưng ngôn ngữ cơ thể thì rất khó để nói dối, do loại hình giao tiếp này thường được thực hiện trong vô thức. Học viên có chú ý đến chuyển động của bạn trong lớp? Họ chăm chú lắng nghe và nhìn bạn, thi thoảng gật đầu – hay họ nhìn xung quanh lớp, đôi khi quay sang bạn với vẻ mặt đờ đẫn? Giảng viên có thể chú ý đến ngôn ngữ hình thể của học viên để tìm hiểu xem học viên đó đang cảm thấy nhàm chán, hay khó hiểu, cũng như biết được khi nào học viên đang nhiệt tình và tự tin, để từ đó điều chỉnh lại tốc độ bài giảng hoặc nội dung giảng dạy sao cho phù hợp. 

Kỹ năng giao tiếp đóng vai trò chủ chốt trong việc tương tác với học viên, vì vai trò của giảng viên bao gồm chia nhỏ những phần kiến thức lớn, khiến học viên dễ hiểu hơn, quản lý lớp học một cách hiệu quả bằng việc đưa ra những yêu cầu, khơi gợi sự hứng thú của học viên đối với môn học hay đưa ra những nhận xét giúp họ phát triển nhiều hơn. Tất cả những điều này đều yêu cầu giảng viên phải có kỹ năng giao tiếp tốt. Về phía học viên, họ sẽ có cải thiện trong học tập, sẽ chú ý nhiều hơn đến bài học nếu giảng viên sử dụng linh hoạt các ngôn ngữ cơ thể, lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của họ, đưa ra những thông điệp rõ ràng và dễ hiểu để họ làm theo.

Dưới đây là một checklist ngắn giảng viên có thể tham khảo để kiểm tra xem mình đã sử dụng được những phương thức nào trong giao tiếp hiệu quả: 

Check list về giao tiếp hiệu quả
1Thiết lập một mối quan hệ tích cực, tôn trọng lịch sự, (thân thiết) với học viên
2Khuyến khích học viên thay vì kiểm soát
3Khi trao đổi, tránh hạ bệ học viên mà hướng đến những khía cạnh tích cực hơn
4Nếu có thể, luôn suy nghĩ kỹ về những gì mình sẽ nói trước khi lên tiếng
5Gọi học viên bằng tên riêng hoặc biệt danh (nếu phù hợp)
6Khi đưa ra chỉ dẫn, luôn ưu tiên có được sự chú ý của toàn bộ học viên trước
7Trò chuyện, trao đổi với phong thái điềm đạm, từ tốn
8Duy trì giao tiếp bằng mắt với tất cả học viên trong lớp
9Hạn chế tối đa việc xao nhãng, mất tập trung trong lớp
10Đưa ra lí do vì sao bài học/buổi học lại quan trọng
11Để học viên biết giảng viên cố gắng vì lợi ích tốt nhất của họ
12Dùng những câu hỏi nhỏ để khiến học viên tham gia nhiều hơn vào bài học và nắm bắt mức độ hiểu bài của học viên
13Cố gắng sử dụng những ví dụ minh hoạ có liên quan đến học viên
14Tránh nhắc đến những vấn đề riêng của học viên trước lớp nếu điều đó có thể khiến họ không thoải mái
15Khen ngợi, ghi nhận việc học viên có cố gắng, chăm chú nghe giảng