5 công cụ hỗ trợ dạy học online hiệu quả

Trong bài viết lần này, Giảng Viên Nguyễn Khánh Linh – Giảng Viên IELTS của trung tâm IZONE sẽ chia sẻ 5 công cụ hỗ trợ dạy học online hiệu quả.

Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu diễn ra trong gần như tất cả các lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Tuy nhiên khác với những ngành khác, đứng trên bục giảng là một ngành đặc thù, đòi hỏi tính tương tác cao giữa giảng viên và học viên. Do vậy, khi chuyển từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang trực tuyến (hay còn gọi là lớp học online), không ít giáo viên sẽ gặp cảm thấy e dè và nghi ngờ về tính hiệu quả của mô hình dạy học mới này. Cụ thể, ba câu hỏi mà hầu hết các thầy cô hay gặp phải đó là: 

  1. Làm sao để giảng dạy hiệu quả 
  2. Làm sao để chấm bài hiệu quả, 
  3. Làm sao để học sinh tương tác với nhau, và giữ được tinh thần tốt khi học . 

Để giải đáp các câu hỏi này, các nhà phát triển ứng dụng đã nhanh chóng nắm cơ hội và tạo nên kho ứng dụng khổng lồ, góp phần biến các lớp học trực tuyến vốn khô khan trở thành những môi trường thân thiện hơn. Vậy nên trên thực tế, ba vấn đề trên của các thầy cô sẽ chỉ còn là cân nhắc để làm sao lựa chọn được các ứng dụng phù hợp với tiết học của mình. Nắm được tâm lý này, bài viết sau đây sẽ đưa ra 5 công cụ giúp giảng viên chuẩn bị  và quản lý các tiết học online hiệu quả.

1. ZOOM – Trả phí

Điểm cộng

Ứng dụng đầu tiên mà chắc hẳn nhiều người đã nghe tới, đó là ZOOM.

Về cơ bản, ZOOM có nhiều điểm tương đồng với các phòng họp trực tuyến như Skype, Google Meeting, hoặc Zalo. Tuy nhiên, khác với những ứng dụng được kể trên thì Zoom giải quyết được câu hỏi làm sao để học sinh có thể tương tác và thảo luận nhóm với nhau thông qua các phòng học nhỏ (Breakout Room). Trong một buổi học, giáo viên có thể chia học sinh vào các Breakout room, tùy vào số lượng mình mong muốn để học sinh có thể cùng nhau thảo luận và thực hiện các hoạt động như Speaking…. Và tất nhiên, giáo viên hoàn toàn có thể “lặng lẽ” tham gia vào các phòng họp này để xem các học sinh yêu quý đang nói gì về mình…

Hình 1: Chia học viên vào các phòng họp nhỏ

Ngoài ra tính năng nổi bật trên, ZOOM cũng cho phép giáo viên có thể chia sẻ màn hình, âm thanh, hoặc cả hai cùng lúc, phục vụ cho các tiết Reading và Listening. Một lưu ý nho nhỏ, đó là cả hai phía giáo viên và học sinh đều cần phải đảm bảo đường truyền ổn định tránh mất nội dung trong bài nghe. Trong trường hợp điều kiện mạng không được đảm bảo thì tốt hơn hết giáo viên có thể nhắc học sinh tải bài nghe trước buổi học.

Điểm trừ

Một điểm có lẽ sẽ làm nhiều giáo viên ngần ngại, đặc biệt là các bạn giáo viên trẻ mới ra trường, đó là phí sử dụng hàng tháng. Về chi tiết, ZOOM có 3 lựa chọn cho người dùng: 

  1. Tài khoản miễn phí. Về cơ bản, đây là dạng tài khoản thử nghiệm, do đó nhiều ứng dụng sẽ bị hạn chế, bao gồm giới hạn thời gian cuộc họp (không quá 40 phút) và không có break-out rooms. 
  2. Tài khoản Pro – US$ 15/1 tháng. Đây là lựa chọn của phần đông người dùng ZOOM, với tính năng tạo phòng họp thời gian không giới hạn, bao gồm phòng họp nhỏ.
  3. Tài khoản Business – US$ 20/1 tháng. Gói tài khoản này có đầy đầy đủ tính năng của gói Pro, cộng thêm khả năng tạo phòng họp lớn, phục vụ cho các hội thảo với tối đa 300 người tham gia.

Mặc dù là nhược điểm, nhưng nhìn chung, tài khoản Pro là sự đầu tư hợp lý nhất cho mô một lớp học.  Vì thứ nhất, trên một tài khoản, một giáo viên có thể dùng nhiều cho nhiều lớp khác nhau (miễn là khác thời điểm). Thứ hai, mặc dù không phải rẻ nhất, nhưng so với các nền tảng khác như Google Meet (chỉ US$ 8/ 1 tháng) thì ZOOM có sự ổn định tương đối hơn khi chia sẻ âm thanh và video. Ngoài ra, tính năng bảng trắng (giúp ghi chú thông tin như bảng truyền thống) cũng được tích hợp trực tiếp vào phần mềm ZOOM, trong khi đối với Google Meet thì để sử dụng tính năng này người dùng sẽ phải chuyển sang một trang khác dẫn đến việc không quan sát được học viên. Tóm lại đối với các thầy cô thì US$ 15 là một chi phí chấp nhận được.

Đối với những bạn đang là sinh viên hoặc mới ra trường thì đây có thể sẽ là một khoản không nhỏ. Tuy nhiên nếu các bạn xác định đi đánh thuê thì hầu hết các trung tâm sẽ sẵn sàng hào phóng bao bạn khoản này. Ngược lại, nếu chiếc hầu bao bé nhỏ của bạn phải gánh mà không có bất kì hỗ trợ nào thì rất có thể bạn đang giẫm phải Red Flag đấy…

Về hướng dẫn sử dụng, thì IZONE cũng có một bài viết chi tiết các tính năng cơ bản của ZOOM. Các bạn có thể tham khảo thêm chi tiết tại đây.

https://docs.google.com/document/d/1hN8AyE76soO5jBMIQj48ncbwa7kSYYQ2scY1xTDQ4L0/edit?usp=sharing

2. Google Classroom – Miễn phí

Xử lý xong bài giảng trên lớp, mối quan tâm tiếp theo của giáo viên đó là giao bài tập về nhà. Giao bài tập là chuyện đơn giản, chỉ cần một link bài tập đăng trên Google Drive là học sinh sẽ có bài làm. Chuyện khó ở đây là làm sao để quản lý bài mà học sinh đã gửi, để biết bài em nào đã được chấm, và em nào vẫn chưa làm bài. Làm tốt nhiệm vụ này nhất có thể kể đến một sản phẩm của Google: Google Classroom.

Về cơ bản thì Google Classroom hay Google lớp học là một dịch vụ web miễn phí do Google xây dựng dành cho các trường học. Ứng dụng này được tích hợp với các dịch vụ khác của Google như Google Drive, Google Tài liệu, Google Trang tính, Google Slide… để giúp giáo viên sắp xếp công việc giảng dạy của mình một cách đơn giản và hiệu quả nhất.

Điểm cộng

Ứng dụng Google Classroom cho phép người dùng có thể đăng bài tập và tài liệu cho học sinh, đồng thời cho phép các tài liệu được sắp xếp theo từng thư mục như Hình 2.

Hình 2: Sắp xếp tài liệu

Đi sâu vào mỗi bài tập về nhà, giáo viên có thể chủ động đặt hạn nộp, cùng với hướng dẫn chi tiết, giúp giảm thiểu băn khoăn từ phía các bạn học sinh. Bên cạnh đó, sau khi lên lịch, giáo viên có thể chủ động quản lý tình hình làm bài tập của lớp mình trong phần chấm bài (Grade), từ việc nộp bài đến điểm số đến bài nào cần chấm (Hình 3).

Hình 3: Theo dõi tình hình làm bài tập

Và vì Google Classroom là một phần nằm trong hệ sinh thái ứng dụng của Google, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các ứng dụng như Google Docs, Google Sheets và Google Drive để phục vụ công tác chấm, chữa bài. Trên thực tế, thầy cô có sử dụng luôn Google Docs khi giao bài. Ứng dụng này sẽ mang lại một trải nghiệm vô cùng mới mẻ cho cả giáo viên và học sinh, đặc biệt đối với các bài viết khi mà chúng ta không còn phải nhìn thấy cảnh chữa, tẩy xóa lem nhem trên bài (Hình 4).

Hình 4: Chữa bài viết trên Google Docs

Một ứng dụng ưu việt nữa mà Google Doc mang lại đó là Comment Bank (tạm gọi là Ngân hàng Nhận xét). Ngân hàng Nhận xét cho phép giáo viên viết một tập hợp các nhận xét thường dùng để có thể dễ dàng thêm vào bài của học viên mà không cần phải gõ lại mỗi lần. Tính năng này sẽ giúp thầy cô tiết kiệm rất nhiều thời gian khi giải thích các lỗi mà nhiều học sinh thường hay lặp lại như thiếu dấu câu, từ nối hoặc dùng sai thì (Hình 5).

Hình 5: Lưu trữ nhận xét trên Comment Bank

Điểm trừ

Điểm trừ duy nhất với mình tính đến thời điểm hiện tại với Google Classroom đó là các lỗi như gửi file bài tập cho học viên, nhưng học viên không nhận được tệp file bài, hoặc khi học viên làm bài xong và nộp bài, thì mất hết các nội dung. Izone cũng đã chuẩn bị 1 bài hướng dẫn chi tiết về các cách sử dụng google classroom, cũng như các lỗi thường gặp và cách xử lý. 

Để hiểu thêm nắm chi tiết hơn về cách sử dụng Google Classroom, các bạn có thể xem thêm tại đây.

[Link Hướng dẫn sử dụng – Update sau]

3. Notion – Miễn phí

Ngoài hai ứng dụng cơ bản kể trên, giáo viên chúng ta có thể nâng cấp công tác giảng dạy của mình sử dụng các ứng dụng quản lý và tạo hoạt động trên lớp khác. Một trong số đó có thể kể đến Notion, một ứng dụng All in one.

Điểm cộng

Notion là một ứng dụng đang ngày càng phổ biến với các bạn trẻ hiện nay. Ứng dụng này giúp người dùng tạo, và sắp xếp các khối (blocks) dữ liệu sử dụng “block” (Hình 5 và 6). Một trong những ứng dụng cơ bản của blocks đó là chúng ta có thể dễ dàng kéo thả nhiều thông tin một lúc để nhanh chóng sắp đặt đồng thời tăng tính thẩm mĩ trên tài liệu của mình.

Hình 6: Kéo-thả thông tin để chỉnh sửa nội dung thay vì tạo bảng và copy paste

Hình 7: Nội dung văn bản sau khi đã được xếp lại

Chính vì tính năng này mà các thầy cô có thể dễ dàng tạo giáo án và tài liệu giảng dạy theo ý thích của mình một cách dễ dàng, đồng thời có tính thẩm mĩ cao. Đến đây thì một câu hỏi đặt ra là: “Mình đã tạo hết giáo trình trên Google Drive, và Microsoft Word rồi, liệu chỉ vì đẹp thôi thì có đáng phải bỏ công di chuyển tài liệu sang một nền tảng mới không?”. Câu trả lời ngắn gọn là CÓ.

Như đã đề cập, Notion là một ứng dụng All in one. Điều này nghĩa là Notion cho phép người dùng tạo cơ sở dữ liệu đồng thời sắp xếp kế hoạch bài học theo chủ đề, cấp lớp hoặc tiến độ. Thêm vào đó, thay vì phải đỏ mắt tìm kiếm giáo án thì các thầy cô chỉ cần nhấp chuột vào tên của các bài giảng đã tạo để di chuyển ngay đến tài liệu mình cần tìm. Hình 7 mô tả một mẫu quản lý bài giảng sử dụng tính năng tạo bảng của Notion, một điều mà Google Drive không làm được.

Hình 8: Sắp xếp bài giảng trên Notion

Xem tài liệu mẫu tại ĐÂY

Dựa vào tính năng cơ bản này, giáo viên có thể mở rộng và tạo các trang quản lý dữ liệu như theo dõi tiến độ học tập của học viên, tạo tổng hợp nhận xét từ các bài tập để học sinh rút kinh nghiệm. Nhìn chung, có thể nói Notion là trang web/ ứng dụng trên máy tính/ thiết bị di động giúp người dùng thỏa sức sáng tạo và quản lý gần như tất cả mọi thứ trên cùng một nơi.

Để hiểu thêm nắm chi tiết hơn về cách sử dụng Google Classroom, các bạn có thể xem thêm tại đây.

[Link Hướng dẫn sử dụng – Update sau]

Điểm trừ

Điểm trừ duy nhất đó là chúng ta sẽ không tải đc file nặng hơn 5MB nếu không nâng cấp tài khoản lên gói PRO. Điều này đồng nghĩa với việc trừ cái file nghe MP3 ra thì các video và tệp nặng nói chung sẽ không thể tải lên nền tảng này được. Tuy nhiên đây không phải là khó khăn lớn vì Google Drive và Youtube đã và đang xử lý rất tốt vấn đề này.

Có thể bạn sẽ hỏi “Tại sao mất tiền mà đề mục lại ghi miễn phí?”. Mình ghi vậy đơn giản là vì với mục đình sử dụng cá nhân thì Notion đã làm được rất nhiều thứ mà bạn cần rồi. Ngoài việc mất công tìm tòi lúc đầu do Notion có quá nhiều tính năng thì ứng dụng này khó có thể chê được ở điểm nào.

4. Miro – Miễn phí

Điểm cộng

Tuy là dạy trực tuyến, nhưng với nhiều giáo viên, một lớp học sẽ mất đi định nghĩa nếu không có bảng viết. Bảng trắng trực tuyến – Miro là một không gian học tập nơi cả giáo viên và học sinh có thể tương tác với nhau trong thời gian thực thông qua internet.

Hình 9: Sử dụng Miro để làm việc nhóm

Khác với bảng trắng (Whiteboard) trên ZOOM, trên Miro, chúng ta có thể tạo các biểu mẫu để lớp học sử dụng trước khi dạy, thay vì phải viết mọi thứ từ đầu. Và Miro thường được coi là 1 “bảng trắng không giới hạn” khi mà chúng ta có thể tạo nội dung trên 1 bảng trắng mà không bao giờ sợ hết bảng. Ngoài ra, Miro cũng cho phép người dùng tải ảnh và tập tin trực tiếp lên bảng. Tính năng này giúp các tiết học, đặc biệt là tiết nói-viết, sinh động hơn trong quá trình thảo luận và phát triển ý.

 Điểm trừ

Với mình, điểm cộng của ứng dụng này cũng là nguyên nhân của điểm trừ. Do nhiều người có thể cùng chỉnh sửa nội dung trên Miro một lúc nên đôi khi hiện tượng giật, không ổn định sẽ khó tránh khỏi. Để tránh hiện tượng này, các bảng thảo luận mẫu tạo sẵn cần tránh các yếu tố hình ảnh quá rườm rà như đem ảnh Wallpaper HD 1080 lên làm hình nền…  

5. Wordwall – Trả phí

Cuối cùng, nếu bạn để ý, tại phần 3, Notion của mình có một cửa sổ mang tên Wordwall nho nhỏ như bên dưới.

Hình 10: Một trò chơi tạo trên Word Wall

Qua hình 10 chắc các bạn cũng đoán ra, Wordwall là ứng dụng tạo trò chơi, giúp học sinh trực tiếp tương tác, nhớ từ vựng và khái niệm ngay trên lớp.

Điểm cộng

Với tài khoản miễn phí, bạn sẽ được sử dụng 18 mini-games cơ bản như:

  • Nối từ
  • Phân nhóm
  • Đúng/ sai
  • Câu hỏi trắc nghiệm
  • Trò chơi ô chữ
  • Vòng quay may mắn

Về cơ bản, Word wall khá màu sắc, hữu ích cho gần như tất cả cấp độ học. Qua Word wall, giáo viên có thể tạo các hoạt động hoặc cuộc thi trực tuyến với nhịp độ nhanh mà học viên có thể dễ dàng truy cập, ngay cả trên điện thoại.

Điểm trừ

Vâng, vẫn là tiền, tiền, và tiền. Nếu không nâng cấp thì mỗi tài khoản sẽ chỉ tạo được tối đa 5 mini-games. Tuy nhiên, bạn có thể cân nhắc sử dụng miễn phí để thử nghiệm trước. Nếu cảm thấy phù hợp với nhu cầu và phong cách giảng dạy của mình thì bạn có thể cân nhắc đăng ký bản cao cấp (Premium). Mức phí cần đóng hàng tháng của ứng dụng này cũng khá hợp lý, chỉ mắc hơn một ly trà sữa khoảng 20 đến 30 ngàn (70,000 VND). So với thu nhập trên một buổi dạy thì con số này không đáng là bao. Nhìn chung, nếu bạn đang muốn thêm một công cụ kỹ thuật số mới, giúp việc giảng dạy không còn đơn thuần chỉ là giáo viên nói và học viên làm bài tập, thì đây là một nơi rất tốt để bắt đầu.

Tổng kết

Trên đây là bài viết chia sẻ của Giảng Viên Nguyễn Khánh Linh về 5 công cụ mà các giáo viên (và cả những bạn muốn trở thành giáo viên) có thể sử dụng trong lớp học trực tuyến của mình. Thực tế những ứng dụng này chỉ là một phần nhỏ trong biển ứng dụng dạy học hiện nay. Nếu các bạn muốn có thêm đánh giá về bất kì ứng dụng nào khác hãy để lại lời nhắn ở phần bình luận bên dưới, IZONE sẽ luôn sẵn lòng giải hỗ trợ. Cuối cùng, thay mặt IZONE, chúc con đường dạy online của các bạn thật thành công trong tương lai.