Thể hiện tính khách quan trong Academic Writing (phần 1)

1. Tính khách quan trong Academic Writing

Một yêu cầu quan trọng khi trình bày lập luận quan điểm trong Academic Writing là tính khách quan, nghĩa là người viết cần thể hiện được rằng: khi tôi đưa ra lập luận quan điểm này là tôi đã xem xét nhiều khía cạnh của vấn đề, nhiều chiều quan điểm (kể cả những quan điểm phản đối tôi), tôi không đưa ra những nhận định “vơ đũa cả nắm”, không để cảm xúc mãnh liệt chi phối quá trình lập luận và tranh luận của mình. Thường thì những câu văn thể hiện được điều này sẽ ít có độ chắc chắn 100% (đây là chân lý rồi, sự thật nó phải thế, không còn nghi ngờ gì nữa…).

Đây là một điều khá xa lạ, thậm chí là khó chấp nhận với nhiều người học tiếng Anh. Chúng ta có thể gặp những lập luận như sau:

Children living in poverty do poorly in school.

(Trẻ em nghèo học kém).

Đây là một nhận định quá chắc chắn: liệu có thật là mọi trẻ em nghèo đều học kém, những trường hợp “nghèo vượt khó, nghèo vẫn nhận học bổng” thì sao? Đã có nghiên cứu nào với mọi trẻ em trên thế giới cho ta số liệu chính xác tin tưởng được chưa? Và kể cả như vậy, việc giàu/nghèo cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến học lực của trẻ – nghèo mà có những yếu tố khác thuận lợi (bố mẹ chăm lo giáo dục con, tố chất học hành mạnh…) thì cũng chưa chắc học kém. Có rất nhiều lý lẽ phản đối lại nhận định “quá chắc chắn, vơ đũa cả nắm” phía trên, và người đọc sẽ nghi ngờ khả năng lập luận của người viết.

Để tránh tình trạng trên, câu văn cần được giảm độ chắc chắn (xuống dưới 100%) và độ mạnh trong quan điểm bằng một số cách như là:

Children living in poverty tend to do poorly in school. (Trẻ em nghèo có xu hướng học kém).

Children living in poverty are likely to do poorly in school. (Trẻ em nghèo nhiều khả năng sẽ học kém).

Children living in poverty will probably do poorly in school. (Trẻ em nghèo nhiều khả năng sẽ học kém).

Children living in poverty could do poorly in school. (Trẻ em nghèo có khả năng sẽ học kém).

Trong bài viết này, các bạn hãy cùng IZONE tìm hiểu các phương pháp thường gặp để thể hiện tính khách quan trong Academic Writing nhé.

2. Một số cách thể hiện tính khách quan trong Accademic Writing:

a) Sử dụng Modal Verb mang ý dự đoán (Would, Should, Could…)

Hãy cùng tìm hiểu ví dụ sau để làm rõ các sắc thái dự đoán của các Modal Verb: (nguồn: Applying cognitive linguistics to instructed L2 learning: The English modals – Andrea Tyler, Charles M. Mueller, Vu Ho)

Bối cảnh: một nhóm bạn đang liên hoan 29 Tết ở một phòng trọ. Mọi người đang ngồi trong phòng, đột nhiên tiếng gõ cửa vang lên, và mọi người bắt đầu đoán xem ai đang gõ cửa. Một người nêu ra dự đoán của mình. Sẽ có các trường hợp sau:

  • Will: Người nói biết được là cả xóm trọ đã về quê ăn Tết (không còn khả năng hàng xóm sang gõ cửa), cả nhóm chỉ còn bạn Nam chưa đến, và Nam vừa gọi điện bảo gần đến rồi => mọi manh mối trong đầu người nói đều dẫn đến kết luận “Nam chính là người gõ cửa, không thể nào có khả năng khác được”. Người nói sẽ nói:

That will be Nam at the door.

Vậy will sẽ mang ý dự đoán cực kỳ chắc chắn: tôi nghĩ thế nào cũng không ra phương án khác được, chỉ có thể là phương án này thôi. Thái độ này quá mạnh, không được khuyên dùng trong Academic Writing khi nêu ra lập luận. Tuy nhiên nhiều bạn rất thích dùng từ will này, như là: Children living in poverty do poorly in school. Các bạn hãy để ý hạn chế dùng từ này nhé.

  • Would: Quay trở lại bối cảnh đã nói phía trên: Cũng giống trưng hợp trên, người nói cũng biết được cả nhóm chỉ còn bạn Nam chưa đến, và Nam vừa gọi điện bảo gần đến rồi => rất chắc chắn là Nam là người gõ cửa. Nhưng người nói vẫn kịp nhớ ra là nhà hàng xóm vẫn còn 1 người chưa về quê ăn Tết, cũng có thể là hàng xóm sang gõ cửa mượn đồ. Thái độ lúc này sẽ là: tôi rất chắc chắn về dự đoán của mình, chỉ có một khả năng rất nhỏ là dự đoán đó sai thôi. Với thái độ này, câu dự đoán sẽ là:

That would be Nam at the door.

So với will thì would cũng mang ý chắc chắn nhưng có phần cẩn trọng hơn => would sẽ được dùng trong Academic Writing. Would sẽ được dùng với những lập luận theo hướng mà người viết ủng hộ. Ví dụ như nếu người viết ủng hộ quan điểm “Bạo lực gia đình sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập của trẻ em”, họ sẽ viết: Family violence would negatively affect the academic performance of children. Nhờ dùng would mà câu này thể hiện được: sau đây là ý kiến tôi ủng hộ nhé, tôi nói rõ ràng cho các bạn biết là vậy.

  • Must: Quay trở lại bối cảnh đã nói phía trên: Bạn Nam selfie một bức ảnh chụp mình đang đứng trước cửa phòng trọ rồi gửi cho người nói. Người nói cho mọi người xem ảnh, với thái độ: tôi đoán chắc chắn là Nam rồi,  có bằng chứng thực tế luôn này (là ảnh Nam chụp trước cửa phòng trọ). Người nói sẽ nói:

That must be Nam at the door.

Có thể coi Must có độ chắc chắn của Would, nhưng lại có thêm cả bằng chứng thực tế => độ chắc chắn của Must cao hơn Would (tất nhiên vẫn yếu hơn mức độ “tôi không thể nào đoán sai được” của Will). Thái độ này quá mạnh, không được khuyên dùng trong Academic Writing khi nêu ra lập luận. Nhất là trong bối cảnh phòng thi IELTS, chúng ta không có cơ hội tra cứu tìm hiểu thông tin số liệu chi tiết, thì chuyện “có bằng chứng thực tế chứng minh lập luận của tôi” là chuyện khó mà thực hiện được.

  • Should: Quay trở lại bối cảnh đã nói phía trên: Những lần trước cứ đúng 4h chiều là Nam đến tụ tập cùng mọi người. Bây giờ (khi tiếng gõ cửa vang lên) là 4h => theo kinh nghiệm quá khứ của người nói, nếu lần này cũng như những lần trước thì người gõ cửa sẽ là Nam. Với thái độ này người nói sẽ nói:

That should be Nam at the door.

 Mức độ dự đoán “theo những gì đã diễn ra ở quá khứ” khá vừa phải, phù hợp với văn phong Academic Writing.

  • Could: Quay trở lại bối cảnh đã nói phía trên:Nam có gọi điện nói 4h sẽ đến (và khi tiếng gõ cửa vang lên là đúng 4h thật) => có khả năng người gõ cửa là Nam. Nhưng một bạn khác (bạn Mai) cũng báo với mọi người là 4h10 sẽ đến => người gõ cửa cũng có thể là Mai, chưa chắc đã là Nam. Người nói đoán là Nam chỉ vì thông tin của Nam (đến lúc 4h) khớp với thời điểm có tiếng gõ cửa hơn, còn thì vẫn phải công nhận là có khả năng không phải Nam mà là Mai gõ cửa. Với thái độ “Dự đoán của tôi là thế này, nhưng tôi cũng phải thừa nhận có những điều khiến dự đoán này không đúng được”, người nói sẽ nói:

That could be Nam at the door.

Vậy là độ chắc chắn của could ở đây khá yếu. Trong Academic Writing, could sẽ được dùng để nói về những suy đoán mà người nói muốn thể hiện sự cẩn trọng, và quan trọng hơn là để nói về ý mình không ủng hộ (không ủng hộ cái gì thì cho nó yếu đi). Ví dụ khi ta muốn ủng hộ một thay đổi trong chính sách: This change could be hard to accept in the short term, but it would transform the economy and make it more environmentally friendly. (Thay đổi này có thể khó chấp nhận lúc đầu, nhưng nó sẽ thay đổi hoàn toàn nền kinh tế và làm nó thân thiện với môi trường hơn). Câu nói này có 2 phần với 2 thái độ ngược nhau:

  • Thay đổi này có thể khó chấp nhận lúc đầu: đây là ý chê thay đổi mà người nói ủng hộ => người nói sẽ làm bớt sức nặng của ý này bằng cách giảm độ chắc chắn của nó xuống: dùng từ could
  • Nó sẽ thay đổi hoàn toàn nền kinh tế và làm nó thân thiện với môi trường hơn: do ý này là ý người nói ủng hộ, nên họ dùng từ would để thể hiện độ chắc chắn cao hơn.

  • May/Might: Quay trở lại bối cảnh đã nói phía trên: Người nói không hề có manh mối gì để đoán người gõ cửa là ai, và cái tên “Nam là người gõ cửa” chỉ là một cái tên vu vơ xuất hiện trong đầu người nói => câu nói sẽ là:

That may/might be Nam at the door. (Với Might thể hiện ý cẩn trọng hơn May)

Cũng giống như Could, May/Might cũng được dùng để thể hiện những lập luận một cách cẩn trọng của người nói, hoặc là để nói về những ý mà mình không ủng hộ (mình muốn “dìm”).

b) Sử dụng Câu bị động:

Để giảm tính chủ quan của câu văn. một thủ pháp đơn giản là tránh nhắc đến con người trong lập luận, với những từ như là: Tôi thấy rằng, người ta nói rằng, Chúng ta nên, Bạn nên… Ví dụ trong câu sau:

I think we should give more support to female workers.

(Tôi nghĩ chúng ta nên dành nhiều hỗ trợ hơn cho người lao động nữ).

Việc dùng chủ ngữ I, We… tạo cảm giác “người viết này chỉ quan tâm đến mình nghĩ gì, liệu có chắc họ cân nhắc được toàn bộ vấn đề không nhỉ?” Hoặc là “We = chúng ta, tức là có cả tôi (người đọc) trong đó => ủa chắc gì tôi đã thấy là việc này nên làm, anh lôi tôi vào làm gì?” Tất cả những điều này tạo ra cảm giác là câu lập luận này khá chủ quan. Để tránh hiện tượng này, câu văn có thể được viết lại thành: 

More support should be given to female workers.

(Nhiều hỗ trợ hơn nữa nên được dành cho người lao động nữ).

Trong câu này không còn “tôi, chúng ta” mà chỉ còn có sự việc được bàn đến. Điều này tạo cảm giác “đúng là người này chỉ đang bàn về vấn đề, không có yếu tố cá nhân nào ở đây”. Cảm giác khách quan sẽ rõ ràng hơn hẳn.

Xét một ví dụ khác:

People say that filmmaking is a lucrative industry.

(Người ta nói ngành công nghiệp sản xuất phim là một ngành rất có lãi)

Từ People sẽ khiến người đọc nghĩ: người ta là ai? Có nhiều người không? Mấy người nói thế có uy tín đáng tin không?… Những suy nghĩ này làm giảm độ khách quan của lập luận xuống rất nhiều. Câu này nên được viết lại thành:

Filmmaking is said to be a lucrative industry.

(Ngành công nghiệp sản xuất phim được cho là rất có lãi).

c) Sử dụng câu bị động kết hợp với chủ ngữ giả:

Ở mục b, ta thấy đặc điểm của việc dùng câu bị động là việc đưa Sự việc được bàn luận lên làm chủ ngữ. Nhưng như đã nói ở đây, nhiều khi sự việc bị quá dài, nếu bắt gặp nó ngay đầu câu thì người đọc sẽ khó chịu với việc “đọc mãi chưa hết chủ ngữ”.  Để tránh việc này người ta sẽ kết hợp việc dùng câu bị động + mệnh đề danh ngữ với chủ ngữ giả. Ví dụ như câu:

People believe that the government should invest more in sports.

(Người ta cho là chính phủ nên đầu tư nhiều hơn vào thể thao).

Để tăng tính khách quan, ta sẽ bỏ People đi và chuyển câu này thành bị động:

The opinion that the government should invest more in sports is believed (by many people).

(Quan điểm là chính phủ nên đầu tư nhiều hơn vào thể thao được tin tưởng (bởi nhiều người)).

Chủ ngữ của câu này (Quan điểm là chính phủ nên đầu tư nhiều hơn vào thể thao) quá dài, sẽ tạo nên sự mệt mỏi khi đọc. Sự mệt mỏi này có thể được tránh khỏi nếu dùng chủ ngữ giả:

It is believed that the government should invest more in sports.

Vậy là mới đọc “It is believed”, người đọc đã mường tượng được ý đại khái của câu: Có thứ gì đó được tin tưởng đấy, bây giờ tôi sẽ từ từ đọc tiếp xem thứ đó là thứ gì nào…c