IELTS Writing Unit 2: CÁC LỖI PHỔ BIẾN THƯỜNG GẶP TRONG IELTS WRITING -FRAGMENT SENTENCES

Đối với người học IELTS thì kĩ năng viết thường “bị” đánh giá là khó nhằn và “học thấy nản” hơn cả. Chưa nói đến việc viết thế nào cho “hay”, chỉ đơn thuần viết cho “đúng” cũng đã  gây ra không ít cản trở trên con đường chữ nghĩa của các bạn rồi. Đôi khi các bạn viết một (vài) câu mà đọc lên thấy chẳng có vấn đề gì cả, nhưng khi nhận bài chữa từ giáo viên thì lại thấy xuất hiện rất nhiều việc đáng bàn!

Vậy trong bài viết lần này, các bạn hãy cùng IZONE tìm hiểu các LỖI CÂU THƯỜNG GẶP KHI VIẾT nhé!. Điều này một phần giúp các bạn có thể tự kiểm tra lại “sản phẩm” của bản thân, phần khác cũng là để việc nhận bài viết chi chít lỗi của giảng viên không còn là ác mộng của các bạn nữa.

A. Complete Sentences (Câu hoàn chỉnh)

Trước khi vào phần “lỗi” câu, các bạn cần nhận biết được thế nào một câu ĐÚNG!

Theo định nghĩa thì một câu hoàn chỉnh sẽ không chỉ là sự kết hợp của một nhóm các từ đi với nhau với việc viết hoa đầu câu và chấm câu ở cuối. Một câu được coi là hoàn chỉnh khi nó hội tụ đủ 3 yếu tố sau:

  • Chủ ngữ (Subject)
  • Vị ngữ (Predicate – bao gồm động từ và các thành phần bổ trợ tuỳ vào động từ và ngữ cảnh)
  • Diễn đạt một ý nghĩ hoàn chỉnh (người nghe đọc câu lên cảm thấy “thoả mãn” và không phải tự đặt câu hỏi cho bản thân)

Vậy một câu bị coi là chưa hoàn chỉnh (hay chưa đúng) tức là nó thiếu ít nhất 1 trong 3 yếu tố trên.

Dựa vào định nghĩa trên, đôi khi câu của chúng ta có thể cực kì đơn giản
Ví dụ: X increased.

Câu ví dụ ở trên các bạn có thể thấy nó chỉ bao gồm 1 chủ ngữ và 1 động từ (có thể là ordinary verb hoặc auxiliary verb) – 2 yếu tố cơ bản nhất nhưng lại là 2 yếu tố tiên quyết, và quan trọng hơn là nó diễn đạt một ý nghĩa hoàn chỉnh. Câu như trên được coi là một MỆNH ĐỀ ĐỘC LẬP. Tuy nhiên trong kì thi IELTS, chúng ta không thể đạt được số điểm như ý nếu chỉ dựa vào những câu cơ bản như trên, mà các bạn sẽ phải mở rộng thành phần câu, để câu chứa đựng nhiều thông tin hơn.

Ví dụ:

  • X increased threefold. (1)
    => thêm thông tin cụ thể về tăng như thế nào
  • X increased threefold over the course of the next four years (2).
    => thêm thông tin cụ thể về tăng như thế nào, diễn ra trong bao lâu
  • After suffering from a steep decline in 1999, X increased threefold over the course of the next four years. (3)
    => Đưa thông tin xảy ra trước khi A tăng, sau đó nói mức độ tăng và diễn ra trong bao lâu
  • After suffering from a steep decline of 29% in 1999, A saw a surprising upward trend when it increased threefold over the course of the next four years, reaching a new peak of 90%. (4)
    => đưa thông tin như câu 3, nhưng thêm vào các con số cụ thể (29%, 90%) và sử dụng một interpersonal tone (Surprising).

Như các bạn có thể thấy, khi câu của chúng trở nên phức tạp, việc tập trung vào những thành tố cơ bản trong câu và việc phát hiện lỗi câu cũng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu các bạn để ý kĩ, các bạn sẽ dễ dàng nhận thấy dù câu có được mở rộng thế nào thì “nhân vật chính” của chúng ta vẫn là “X increased” mà thôi – 1 chủ ngữ và 1 động từ

Vậy việc xác định được Chủ ngữ chính và Động từ chính sẽ là thủ thuật đầu tiên để các bạn phát hiện những lỗi câu cơ bản dưới đây

B. Sentence Fragments

Nếu các bạn tra từ điển, các bạn sẽ thấy nghĩa của từ “fragment” nghĩa là các “mảnh vỡ hoặc mảnh vụn của một chỉnh thể”.

Vậy một câu bị coi là Sentence Fragments là khi câu đó chưa  hoàn chỉnh, tức thiếu đi 1 trong 3 yếu tố mình đề cập tới ở trên. Khi mắc lỗi Sentence Fragments, có thể câu của các bạn thiếu chủ ngữ, hoặc động từ, hoặc thiếu cả chủ ngữ và động từ, hoặc đầy đủ chủ ngữ và động từ nhưng ý nghĩa của câu chưa hoàn chỉnh!

1.Câu thiếu chủ ngữ.

Ví dụ: Drinking beer

Như các bạn có thể thấy, khi đọc câu trên, các bạn sẽ tự động đặt ra câu hỏi “Ai uống?” như một phản xạ. Vậy tức là các bạn chưa cảm thấy “thỏa mãn” vì câu thiếu đi chủ thể của hành động. Cách vá lỗi trong trường hợp này rất đơn giản: thiếu gì thì thêm nấy thôi. Các bạn hãy cho “mảnh câu” này của chúng ta một chủ ngữ là ổn.
Ví dụ: Dad is drinking beer

2. Câu thiếu động từ

Ví dụ 1: I so handsome

Câu ví dụ của chúng ta có chủ ngữ là “I”, trạng từ “so”, tính từ “handsome”. Nhưng lại thiếu động từ. Vậy cũng như lỗi thiếu chủ ngữ, các bạn thêm động từ cho câu vào là mọi thứ lại đâu vào đấy
Ví dụ: I look/am so handsome.

Ví dụ 2: Hard work does not always translate into success. If it is, all hard-working people would be successful. But in fact, many of them don’t

Tương tự ví dụ ở mục 1, nếu bạn nhìn qua, câu này có vẻ ổn về mặt ngữ pháp. Nhưng thử nghĩ xem “it is” và “many of them don’t” trong câu này được nối với phần nào trong câu trước nhé.

Bạn đã tìm được câu trả lời chưa? Ở đây chính xác ra bạn phải dùng “if it does” hoặc “if it did” và “many of them are not” nhé

3.Câu diễn đạt chưa đủ ý (Dependent Clause Fragment).

Đây là loại câu mà dù đầy đủ cả Chủ ngữ và Động từ nhưng vẫn bị tính là câu chưa hoàn chỉnh. Trong Tiếng Việt, chúng ta có 1 loại câu ghép là Câu ghép Chính Phụ, nghĩa là câu sẽ có 2 mệnh đề, 1 chính và 1 phụ, và nếu thiếu đi mệnh đề chính thì mệnh đề phụ sẽ không diễn đạt hoàn chỉnh 1 ý tưởng.

Tương tự trong Tiếng Anh, Dependent Clause Fragment xảy ra khi một Mệnh đề phụ thuộc (mệnh đề phụ) không được kết nối với Mệnh đề độc lập (mệnh đề chính).

Ví dụ: Although I am so handsome.

Các bạn có thể thấy câu ví dụ có đầy đủ Chủ ngữ (I) và Động từ (am) nhưng rõ ràng khi đọc câu lên các bạn lại phải tự đặt câu hỏi “Ừ thì sao?” đúng không? Vậy tức là câu này chưa ổn.

Vậy vấn đề của câu này nằm ở đâu? Chính là anh chàng “Although” (vì rõ ràng mệnh đề “I am so handsome” rất ổn ở trên mà). “Although” thuộc nhóm các Liên từ phụ thuộc (Subordinate Conjunctions) dùng để mở động một Mệnh đề phụ thuộc (Dependent Clauses). Nếu bạn có vốn kiến thức kha khá về nhóm Liên từ này, các bạn đã giảm được đến 90% khả năng mắc lỗi Dependent Clause Fragment rồi đấy!

Đầu tiên, bạn cần hiểu Liên từ phụ thuộc dùng để làm gì. Chúng có 3 nhiệm vụ:

  • Nối 2 mệnh đề lại với nhau
  • Biến 1 mệnh đề phụ thuộc vào mệnh đề còn lại để diễn đạt 1 ý hoàn chỉnh
  • Cho thấy mối liên hệ giữa 2 mệnh đề với nhau là gì (thời gian, nguyên nhân – kết quả, hay nhượng bộ…)

Và cuối cùng, cũng là quan trọng nhất, bạn cần ý thức được rằng một mệnh đề bắt đầu bằng một trong số những Liên từ phụ thuộc theo link trên trên LUÔN LUÔN phải đi cùng với một Mệnh đề Độc lập nữa, dù nó có đứng trước hay đứng sau.

Quay trở lại với ví dụ “Although I am so handsome” ở trên. Tìm cách “vá lỗi” cho anh chàng mệnh đề này nào.

Cách 1: Đau đâu chữa đấy
Mệnh đề “I am so handsome” hoàn toàn bình thường và đúng ngữ pháp, vậy cách đơn giản nhất đó là loại bỏ phần “bất bình thường” đi là được. Trong trường hợp này chúng ta có thể loại bỏ Although

Cách 2: Thiếu đâu bù đấy!
Rõ ràng chúng ta đang cần một mệnh đề chính, vì vậy hãy thêm cho câu này một mệnh đề chính
Ví dụ: Although I am so handsome, I still stay single

Cách 3: đổi mối quan hệ subordination bằng mối quan hệ coordination
Ví dụ: I am so handsome. However, I still stay single

Ở đây chúng ta đang thay thế một “subordinate conjunctions bằng một “coordinate conjunctions”. Cùng thêm một ví dụ khác để hiểu rõ hơn nhé
Ví dụ: As a result of losing a leg in the war, he is no longer fit for duty

Ở đây mệnh chúng ta đang sử dụng mệnh đề phụ thuộc, nên vế “he …duty” là cần có để diễn đạt một ý hoàn chỉnh. Nhưng ta có thể sửa mối quan hệ giữa 2 câu trên thành Coordination bằng câu sau:
He lost a leg during the war. As a result, he is no longer fit for duty.

Nói tóm lại, để tránh mắc lỗi viết câu không hoàn chỉnh, các bạn cần nhớ những điều sau:

1. ĐỪNG quên 3 thành tố cơ bản: Chủ ngữ, Động từ và Ý hoàn chỉnh. Nhớ được 3 yếu tố này thì bạn đã đi được nửa đường rồi.

2. Tiếp đến, bạn đọc kĩ xem câu của mình có sử dụng Liên từ phụ thuộc không.

Nếu câu trả lời là “có”, hãy đảm bảo nó được liên kết với một mệnh đề độc lập khác, tức là KHÔNG BAO GIỜ Mệnh đề phụ thuộc đứng một mình nhé.