Các loại câu điều kiện và cách phân biệt chúng

Trong Tiếng Anh, khi nhắc đến từ “if”, người đọc sẽ nghĩ ngay đến câu điều kiện

If the weather is nice, we will go on a picnic. (Nếu trời đẹp, chúng tôi sẽ đi picnic.)

If I were you, I wouldn’t do that. (Nếu tôi là bạn, tôi sẽ không làm thế.)

Vậy, câu điều kiện là gì? Có những loại câu điều kiện nào và làm thế nào để phân biệt chúng? Bài viết này sẽ giúp các bạn giải thích những thắc mắc trên.

Câu điều kiện là gì?

Câu điều kiện dùng để nói về giả thiết và kết quả. Ta thường liên tưởng nó với cặp từ nếu – thì trong Tiếng Việt.

Câu điều kiện luôn bao gồm hai mệnh đề: mệnh đề phụ – mệnh đề if và mệnh đề chính. Mệnh đề if nêu điều kiện, giả thiết, mệnh đề chính nêu kết quả. Tương tự ở tiếng Việt, vế “nếu” giống như mệnh đề if, vế “thì….” giống mệnh đề chính.

Câu điều kiện

Ví dụ:

  • If it rains, I will not go to school. (Nếu trời mưa, tôi sẽ không đi học.)
  • If I were you, I wouldn’t do that. (Nếu tôi là bạn, tôi sẽ không làm thế.)

Các loại câu điều kiện

Câu điều kiện loại 0

Khái niệm: Câu điều kiện loại 0 dùng để chỉ những điều mà người nói tin là chân lý và là thông tin đúng sự thật. 

Cấu trúc: 

Mệnh đề if

Mệnh đề chính 

If + S + V (hiện tại đơn),

S + V (hiện tại đơn).

  • Ví dụ: If you don’t brush your teeth, you get cavities. (Nếu bạn không đánh răng, bạn sẽ bị sâu răng.) (1)

Với câu điều kiện loại 0, từ “if” có thể thay thế bằng từ “when”, chẳng hạn:

  • Ví dụ: When people smoke cigarettes, their health suffers. (Khi mọi người hút thuốc lá, sức khỏe của họ sẽ bị ảnh hưởng.) (2)

Vậy “if” và “when” khác nhau thế nào trong trường hợp này? Với “when”, khả năng xảy ra sẽ cao hơn và chắc chắn hơn; còn với “if”, vẫn có khả năng trường hợp đó sẽ không xảy ra. Cụ thể, ở ví dụ (1), khả năng bị sâu răng là có xảy ra, tuy nhiên vẫn còn trường hợp không đánh răng mà vẫn không bị sâu răng. Còn ở ví dụ (2), việc sức khỏe bị ảnh hưởng là điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra.

Câu điều kiện loại 1

Khái niệm: Câu điều kiện loại 1 dùng để chỉ giả thiết có thật ở hiện tại và có kết quả ở tương lai.

Cấu trúc: 

Mệnh đề if

Mệnh đề chính 

If + S + V (hiện tại đơn),

S + will + V nguyên thể (tương lai đơn).

  • Ví dụ: If you rest, you will feel better. (Nếu bạn nghỉ ngơi, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn.)

Ở ví dụ này, giả thiết đưa ra ở hiện tại (nếu bạn nghỉ ngơi) sẽ dẫn đến kết quả trong tương lai (sẽ cảm thấy tốt hơn.)

Lưu ý: Trong câu điều kiện loại 1, bên cạnh việc sử dụng thì tương lai (will), thì bạn cũng có thể sử dụng các modal verbs khác. (Chẳng hạn: can, could, would …).

  • Ví dụ: If you don’t hurry, you can miss the bus. (Nếu bạn không nhanh chân lên, bạn có thể bị lỡ chuyến xe đó đấy.)

Giả thiết đưa ra ở hiện tại (nếu bạn không nhanh chân) sẽ dẫn đến kết quả trong tương lai là bạn co thể nhỡ xe.

Câu điều kiện loại 2

Khái niệm: Khác với câu điều kiện loại 1, câu điều kiện loại 2 dùng để chỉ những giả thiết không có thật ở hiện tại, hoặc khả năng xảy ra ở hiện tại là rất thấp. Ở đây người nói thể hiện thái độ nghi ngờ, không tin tưởng là điều đó có thể xảy ra.

Cấu trúc:

Mệnh đề if

Mệnh đề chính 

If + S + V_ed (quá khứ giả định),

S + would + V nguyên thể.

  • Ví dụ: If I inherited a billion dollars, I would travel to the moon. (Nếu tôi được thừa hưởng một tỷ đô, tôi sẽ bay tới mặt trăng.)

Ở ví dụ này, người nói hiện tại không có một tỷ đô. Thái độ của họ sẽ là: tôi biết là tôi không có một tỷ đô rồi, nhưng giả sử việc đó xảy ra (với tỉ lệ cực thấp – 0.00001%) thì tôi sẽ bay tới mặt trăng. 

Bên cạnh việc sử dụng câu điều kiện loại 2 để chỉ những giả thiết ở hiện tại, thì bạn có thể dùng loại câu điều kiện này để đưa ra các gợi ý, đề xuất, lời khuyên một cách lịch sự.

  • Ví dụ: It would be better if the meetings were on consecutive days. (Sẽ tốt hơn nếu như các buổi họp diễn ra vào các ngày liên tiếp)

Ở ví dụ này, người nói sử dụng câu điều kiện loại 2 với mục đích khuyên nhủ người sếp/đồng nghiệp của mình nên tổ chức các buổi họp liên tiếp thay vì tổ chức một cách gián đoạn, không liên tục.

Lý do câu điều kiện loại 2 thường được sử dụng để đưa ra lời khuyên, chứ không phải là câu điều kiện loại 1, là bởi người nói muốn thể hiện sự tôn trọng ý kiến của người nghe lời khuyên. Khi nghe một lời khuyên thì có 2 lựa chọn:

  • Một là có thể nghe theo lời khuyên đó.
  • Hai là không nghe theo lời khuyên đó.

Người nói muốn thể hiện sự tôn trọng: bạn không muốn nghe lời khuyên của tôi thì tôi vẫn tôn trọng lựa chọn của bạn (không nghe thì thôi). Đó chính là lý do mà người nói muốn dùng câu điều kiện loại 2, với thái độ: tôi nghĩ khả năng xảy ra việc “bạn nghe lời khuyên của tôi” là cũng không chắc chắn đâu (vì tôi tôn trọng ý muốn của bạn mà).

conditional-sentence

Trong khi đó, nếu người nói sử dụng câu điều kiện loại 1 thì câu đó sẽ có mức độ chắc chắn cao, và mang sắc thái là “điều đó chắc chắn tốt đấy, bạn chắc chắn phải nghe tôi”. Lúc này, người nghe dường như chỉ còn có một lựa chọn là phải nghe theo lời khuyên đó, và không còn quyền tự quyết. 

conditional-sentence-1

Qua đây, ta có thể thấy rõ ràng là câu điều kiện loại 2 sẽ phù hợp hơn (lịch sự hơn) để đưa ra lời khuyên so với câu điều kiện loại 1.

Câu điều kiện loại 3

Khái niệm: Câu điều kiện loại 3 là một giả thiết không có thật trong quá khứ, đồng nghĩa với việc khả năng điều này xảy ra là 0%. Câu điều kiện loại 3 thường để chỉ một điều nuối tiếc trong quá khứ vì đã làm hoặc chưa làm gì.

Cấu trúc:

Mệnh đề if

Mệnh đề chính 

If + S + had + quá khứ phân từ (quá khứ hoàn thành),

S + would + have + quá khứ phân từ.

  • Ví dụ: If I had studied harder, I would have passed the exam. (Nếu tôi học hành chăm chỉ hơn, tôi đã có thể qua môn rồi.)

Đây là một nuối tiếc của người nói trong quá khứ. Người nói đã không học chăm chỉ, nhưng đang giả sử nếu mình đã học chăm chỉ hơn thì đã có thể qua môn rồi. Tuy nhiên, sự thật không thể thay đổi là người nói đã trượt môn trong quá khứ.

Câu điều kiện loại hỗn hợp

Nhắc đến loại hỗn hợp, ta sẽ hình dung đó là sự kết hợp của các loại câu điều kiện với nhau. 

Dạng hỗn hợp 1: Mệnh đề if loại 2 – Mệnh đề chính loại 3

Giả thiết ít có khả năng xảy ra ở hiện tại nhưng kết quả lại trong quá khứ.

Cấu trúc:

Mệnh đề if

Mệnh đề chính 

If + S + V_ed (quá khứ giả định),

S + would + have + quá khứ phân từ.

  • Ví dụ: If I were a good cook, I would have invited them to lunch. (Nếu tôi là một đầu bếp giỏi, tôi có lẽ đã mời họ đến ăn trưa rồi.)

Trong hiện tại, người nói không phải là đầu bếp giỏi. Nhưng anh ấy giả sử điều đó xảy ra thì đã có thể mời bạn bè đến ăn trưa trong quá khứ.

Dạng hỗn hợp 2: Mệnh đề if loại 3 – Mệnh đề chính loại 2

Giả thiết không có thật trong quá khứ nhưng lại để lại kết quả ở hiện tại.

Cấu trúc:

Mệnh đề if

Mệnh đề chính 

If + S + had + quá khứ phân từ (quá khứ hoàn thành),

S + would + động từ nguyên thể.

  • Ví dụ: If I had worked harder at school, I would have a better job now. (Nếu tôi đã học hành chăm chỉ hơn thì bây giờ tôi đã có công việc tốt hơn rồi.)

Trong quá khứ, người nói đã không học hành chăm chỉ. Cậu ấy đang giả sử điều ngược lại thì ở hiện tại sẽ có công việc tốt hơn.

Cách phân biệt câu điều kiện

Câu điều kiện loại 0 và loại 1

Với câu điều kiện loại 0 và loại 1, cả hai giả thiết đều hoàn toàn có thể xảy ra ở hiện tại. Sự khác nhau nằm ở thái độ và chủ đích của người nói. Với câu điều kiện loại 0, người nói tin rằng những điều mình nói là sự thật nên đây không còn là giả thiết – mình chỉ đang kể ra sự thật mà thôi. Có thể coi độ chắc chắn của sự việc ở đây là 100%.

  • Ví dụ: If you pour oil into water, it floats. (Nếu bạn đổ dầu vào trong nước, nó nổi.)

=> Người nói hoàn toàn tin vào chuyện này, đối với họ thì chuyện “dầu nổi trên nước” là sự thật, họ chỉ đang kể ra sự thật đó.

Ngược lại, với câu điều kiện loại 1, người nói chưa dám khẳng định điều mình nói là sự thật, chỉ dám giả thiết “nếu điều này xảy ra thì …”, tuy nhiên người nói rất tin vào giá thiết của mình (độ chắc chắn của sự việc không đến mức 100% – mức của sự thật – nhưng cũng rất cao):

Ví dụ: If I win this competition, I will get a new phone. (Nếu tôi thắng cuộc thi này, tôi sẽ được một chiếc điện thoại mới.)

Trong trường hợp này, chuyện người nói thắng cuộc thi vẫn chưa phải sự thật (vì cuộc thi còn chưa kết thúc). Người nói chỉ giả thiết nếu chuyện đó xảy ra thì sẽ thế nào. Việc dùng câu điều kiện loại 1 thể hiện thái độ tự tin của người nói vào chiến thắng của mình: tôi tin là tôi sẽ thắng, và nếu điều đó xảy ra thì tôi sẽ  được điện thoại mới.

Câu điều kiện loại 1 và loại 2

Đôi khi, việc sử dụng câu điều kiện loại 1 hay loại 2 phụ thuộc nhiều vào thái độ và chủ đích của người nói.

Chẳng hạn, cô gái này có bạn trai. Hai người yêu nhau say đắm. Một ngày nọ, cô gái này gặp bạn thân của mình và tình cờ nghe kể về việc bạn trai cô ấy ngoại tình. Không tin vào tai mình, cô gái đó nói:

  Câu điều kiện loại 1 Câu điều kiện loại 2
Lời cô gái nói

If my boyfriend cheats on me, I will find another one. (Nếu bạn trai tôi cắm sừng tôi, tôi sẽ đi tìm một người khác.)

If my boyfriend cheated on me, I would be really shocked. (Nếu bạn trai tôi cắm sừng tôi, tôi sẽ rất sốc.)
Ý nghĩa Nếu cô gái này dùng câu điều kiện loại 1, thì người đọc sẽ hiểu rằng cô ấy không quá tin vào bạn trai mình, đối với cô thì việc anh ấy cắm sừng cô là có khả năng có thể xảy ra. Nếu cô gái đó dùng câu điều kiện loại 2, thì người nghe hiểu rằng cô ấy rất tin vào bạn trai mình nên đối với cô thì khả năng anh ấy cắm sừng là rất thấp, khó có thể xảy ra ở hiện tại. 

Nói tóm lại, câu điều kiện loại 1 và loại 2 khác nhau ở thái độ và chủ đích của người nói. Nếu người nói tin rằng giả thiết này gần như không có khả năng xảy ra ở hiện tại thì sẽ dùng câu điều kiện loại 2, còn nếu họ cho rằng giả thiết này có nhiều khả năng xảy ra sẽ dùng câu điều kiện loại 1.

Câu điều kiện loại 2 và loại 3

Câu điều kiện loại 2 và loại 3 khác nhau ở chỗ, câu điều kiện loại 2 là một giả thiết hầu như không có khả năng xảy ra trong hiện tại; còn loại 3 là giả thiết không có thật trong quá khứ. Đồng nghĩa với việc, với loại 2, vẫn còn khả năng xảy ra dù xác suất có thể là 1/1000; nhưng giả thiết ở câu điều kiện loại 3 trái ngược hoàn toàn với thực tế.

Giả sử nếu bạn muốn viết câu: Nếu không có cây cối, chúng ta sẽ hết không khí sạch để thở
If it weren’t for trees, we would have run out of clean air to breathe 
(Điều kiện loại 2)       (Điều kiện loại 3)

Câu này cho chúng ta thấy rằng:

  • Việc “không có cây cối” là một giả thiết gần như không thể xảy ra ở hiện tại, hoặc khả năng xảy ra điều này là rất thấp.
  • Việc “chúng ta hết không khí sạch để thở” là một giả thiết hoàn toàn không có thật ở quá khứ, điều này hoàn toàn trái ngược với thực tế. (bởi vì nếu điều này có thật thì con người sẽ rất khó để sinh tồn, và có lẽ IZONE cũng sẽ không thể ngồi đây để chia sẻ với các bạn kiến thức về các loại câu điều kiện được).

Sơ đồ tư duy các loại câu điều kiện

Câu điều kiện

Bài tập câu điều kiện

Exercise 1: 

a. These days I use the Internet more and more to do my shopping. If I 1. (not/have) my computer, I 2. (not/know) what to do. I buy clothes, books and DVDs online as well as holidays. If you 3. (not/find) what you want in the shops, you 4. (find) it on the Internet. I’m going to Barcelona in a few weeks and I’m going to buy my ticket on the Internet because it 5. (save) me about $50 if I 6. (do) it that way.
b. I think I 1. (be) more successful with my interviews as well if I 2. (plan) the questions more thoroughly beforehand, although I’m not sure about that. If I 3. (prepare) the questions in more detail, it 4. (restrict) the interviewees too much.

Exercise 2: 

1. If I (not / stay up) so late last night, I (not / feel) so tired now.
2. I (be) in terrible trouble right now if you (not / help) me yesterday.
3. I (ask) for Andy’s phone number when I met him if I (not / already / have) a boyfriend.
4. Tracy (not / need) extra lessons last month if she (be) as good at maths as you are.

Điểm số của bạn là % – đúng / câu

 

  1.  

  • These days I use the Internet more and more to do my shopping. If I didn’t have my computer, I wouldn’t know what to do. (Ngày nay, tôi sử dụng Internet ngày càng nhiều hơn để mua sắm. Nếu tôi không có máy tính, tôi sẽ không biết phải làm thế nào.)

  • Giải thích: Người nói đang đưa ra một giả thiết không có thật ở hiện tại. Trong hiện tại, người này có máy tính và dùng máy tính để mua sắm online; nhưng đang giả sử nếu hiện tại không có máy tính thì không biết phải làm thế nào nên cần dùng câu điều kiện loại 2.

  • I buy clothes, books and DVDs online as well as holidays. If you don’t find what you want in the shops, you will find it on the Internet. (Tôi mua quần áo, sách vở, DVD cũng như kỳ nghỉ trên mạng. Nếu như bạn không tìm thấy những gì bạn muốn ở cửa hàng, bạn có thể tìm thấy chúng trên Internet.)

  • Giải thích: Việc không tìm thấy những gì mình muốn ở cửa hàng là một điều hoàn toàn có thể xảy ra trong hiện tại (không dùng câu điều kiện loại 2), tuy nhiên người nói không tin rằng đó là điều luôn đúng (không dùng câu điều kiện loại 0) nên cần dùng câu điều kiện loại 1 – giả thiết có thật ở hiện tại.

  • I’m going to Barcelona in a few weeks and I’m going to buy my ticket on the Internet because it will save me about $50 if I do it that way. (Tôi sẽ đến Barcelona vài tuần nữa và tôi sẽ mua vé trên mạng vì nó sẽ giúp tôi tiết kiệm khoảng $50 nếu tôi làm như thế.)
  • Giải thích: Người nói giả thiết điều sẽ xảy ra: bây giờ tôi chưa mua vé trên mạng, nhưng nếu giả sử tôi làm vậy thì sẽ thế nào. Việc mua vé sẽ tiết kiệm được tiền là một điều hoàn toàn có thể xảy ra ở hiện tại nên dùng câu điều kiện loại 1 – giả thiết có thật ở hiện tại.

  1.  

  • I think I would/might have been more successful with my interviews as well if I had planned the questions more thoroughly beforehand, although I’m not sure about that. (Tôi nghĩ có lẽ buổi phỏng vấn của tôi đã có thể thành công hơn nếu tôi đã chuẩn bị câu hỏi từ trước một cách cẩn thận hơn, dù tôi không chắc về điều đó.)
  • Giải thích: Việc chuẩn bị câu hỏi hay buổi phỏng vấn đã hoàn thành trong quá khứ. Người nói đang nuối tiếc và đưa ra một giả thiết không có thật trong quá khứ (chuẩn bị câu hỏi một cách cẩn thận); sự thật là người đó đã không làm như vậy nên ở đây cần dùng câu điều kiện loại 3 – giả thiết không có thật trong quá khứ.

  • If I had prepared the questions in more detail, it would/might have restricted the interviewees too much. (Nếu tôi đã chuẩn bị câu hỏi chi tiết hơn, việc này đã có thể hạn chế ứng viên phỏng vấn rất nhiều.)
  • Giải thích: Tương tự như câu trên. Đây cũng là điều nuối tiếc và một giả thiết không có thật trong quá khứ của người nói nên cần dùng câu điều kiện loại 3. 

Exercise 2:

  1. If I hadn’t stayed up so late last night, I would not feel so tired now. (Nếu tối qua tôi không thức muộn thế, thì bây giờ tôi đã không mệt thế này.)

  • Giải thích: Việc anh ấy không thức muộn là một giả thiết không có thật trong quá khứ (câu điều kiện loại 3), nhưng để lại kết quả ở hiện tại (việc thức khuya dẫn đến mệt) nên vế sau cần dùng câu điều kiện loại 2.  

  1. I would be in terrible trouble right now if you hadn’t helped me yesterday. (Giờ tôi sẽ gặp rất nhiều vấn đề nếu hôm qua bạn đã không giúp tôi.)

  • Giải thích: Người nói đang giả sử trong quá khứ, nếu như bạn của mình đã không giúp mình – đây là giả thiết không có thật trong quá khứ (câu điều kiện loại 3) thì sẽ để lại kết quả ở hiện tại (gặp rất nhiều vấn đề) nên vế sau cần dùng câu điều kiện loại 2. 

  1. I would have asked for Andy’s phone number when I met him if I didn’t already have a boyfriend. (Tôi có lẽ đã xin số điện thoại của Andy khi tôi gặp anh ấy nếu tôi không có bạn trai.)

  • Giải thích: Việc không có bạn trai đang là một giả thiết trái ngược với hiện tại (câu điều kiện loại 2) nhưng lại để lại kết quả trong quá khứ (đã xin số điện thoại của Andy) nên vế này cần dùng câu điều kiện loại 3. 

  1. Tracy would not have needed extra lessons last month if she was / were as good at maths as you are. (Tracy có lẽ đã không cần học thêm tháng trước nếu cô ấy học giỏi toán như cậu.)

  • Giải thích: Việc Tracy học giỏi toán đang là một giả thiết trái ngược với hiện tại (câu điều kiện loại 2) để lại kết quả trong quá khứ (đã không cần học thêm tháng trước ) nên vế này cần dùng câu điều kiện loại 3. Sự thật là Tracy không học giỏi toán và đã phải đi học thêm rồi.

Exercise 3: Xác định loại câu điều kiện (loại 0, 1, 2, 3, hỗn hợp) và chia động từ ở trong ngoặc

1. If I (do) well in the exam, my parents will buy me an MP3 player. -> Câu điều kiện loại
2. If my sister borrows my clothes again, I (scream)! -> Câu điều kiện loại
3. They (not/mind) if we’re a bit late this afternoon. -> Câu điều kiện loại
4. If you heat ice, it (melt). -> Câu điều kiện loại
5. If I (not eat) three ice creams yesterday, I (not/have) a stomachache now. -> Câu điều kiện loại
6. If you (tell) me you were going to the beach, I would have come with you. -> Câu điều kiện loại
7. If I (win) a million euros, I would buy my parents a new house. -> Câu điều kiện loại
8. If she (have) a motorbike, it would not take her so long to get to work every day. -> Câu điều kiện loại
9. If she (revise) the lesson last night, now she (know) how to do this exercise. -> Câu điều kiện loại
10. If Claire had seen something she liked, she (buy) some clothes while shopping yesterday. -> Câu điều kiện loại

 

Exercise 4: Hoàn thành câu sao cho nghĩa không đổi. Điền vào chỗ trống từ 2 đến 5 từ (không dùng dạng viết tắt như wouldn't, hadn't). 

 

1. I decided to leave because it was really noisy.
I to leave if it hadn’t been really noisy.
2. I think you should tell your parents the truth.
If I you, I would tell your parents the truth.
3. Layla does not have enough money, so she cannot buy a new smartphone.
If Layla enough money, she’d buy a new smartphone.
4. The audience laughed because his joke was very funny.
If his joke , the audience wouldn’t have laughed.
5. It wasn’t hot, so we didn’t turn on the air conditioner.
If it hot, we’d have turned on the air conditioner.

Điểm số của bạn là % - đúng / câu

IZONE hy vọng rằng, qua bài đọc này, các bạn đã có thể có một cái nhìn tổng quan về câu điều kiện. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo cụ thể về từng kiểu câu điều kiện.